Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2015

Triết học pháp luật trong mối tương quan với lý luận chung về pháp luật

Tóm tắt: Triết học pháp luật là chủ đề từ lâu được quan tâm nghiên cứu và giảng dạy tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là tại các quốc gia phương Tây. Tuy nhiên, ở Việt Nam đây là lĩnh vực nghiên cứu tương đối mới mẻ, chưa có được sự quan tâm thích đáng từ giới nghiên cứu, giảng dạy. Bài viết này trình bày một số vấn đề liên quan đến triết học pháp luật trong mối tương quan với lý luận chung về pháp luật, điểm qua một số trường phái cơ bản cũng như xu hướng phát triển hiện nay của triết học pháp luật tại một số quốc gia trên thế giới. Từ khóa: Chủ nghĩa thực chứng; luật tự nhiên; lịch sử tư tưởng; triết học pháp luật. Dẫn nhập Triết học pháp luật (THPL) là chủ đề bắt đầu có được sự quan tâm nghiên cứu, bàn luận ở nước ta . Tuy vậy, so với tầm vóc và ý nghĩa của bộ môn này cũng như sự phát triển của nó trên thế giới, việc nghiên cứu triết học pháp luật vẫn còn tương đối khiêm tốn, cả trong lý luận hàn lâm cũng trong giảng dạy. Là một lĩnh vực nghiên cứu còn rất mới mẻ, nên nhận thức về THPL ở nước ta mới chỉ dừng lại ở mức sơ lược, không ít người vẫn nhầm lẫn THPL với lý luận chung về pháp luật (LLCVPL), môn học bắt buộc và nền tảng trong chương trình đào tạo cử nhân luật. Nhìn rộng ra trên phạm vi toàn thế giới, cụ thể tại các nước Phương Tây, cội nguồn của tư tưởng triết học và pháp luật hiện đại, thuật ngữ “triết học pháp luật” cũng chỉ mới được sử dụng phổ biến vào khoảng đầu thế kỷ 19, nhất là với sự ra đời của tác phẩm “Các nguyên lý của triết học pháp quyền” của Hegel (1821). Tuy thuật ngữ THPL ra đời khá muộn so với các thuật ngữ triết học hay luật học khác, nhưng suy ngẫm và nhận thức về các vấn đề mà nó đề cập thì đã được quan tâm từ lâu như chính bản thân pháp luật vậy. Ngay từ thời cổ đại, THPL đã được đề cập trong các phẩm của Platon và Aristote, những người có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của môn khoa học này. Cho đến nay, không có sự thống nhất về định nghĩa luật pháp cũng như định nghĩa về THPL.Tương tự, vẫn luôn tồn tại tranh luận xoay quanh chủ đề liệu THPL có phải là một nhánh của triết học hay là một phận của khoa học pháp lý, về danh sách các vấn đề THPL nghiên cứu, cũng như về chức năng, thậm chí là ngay cả thuật ngữ “triết học pháp luật” vẫn còn gây tranh cãi. Thực tế ngay tại nhiều quốc gia có THPL phát triển, một số tác giả vẫn có xu hướng đánh đồng THPL với “lý luận chung về pháp luật”. Lịch sử hình thành và phát triển của THPL với tư cách là một khoa học cho chúng ta thấy sự đối lập thường xuyên của chính nó với “lý luận chung về pháp luật”, thể hiện qua sự đối lập dai dẳng giữa những người ủng hộ “triết học pháp luật trường phái luật tự nhiên” và những người theo đuổi chủ nghĩa thực chứng pháp lý. Chúng ta sẽ phân tích những vấn đề trên trước khi đánh giá hiện trạng của lĩnh vực nghiên cứu này tại một số quốc gia trên thế giới. 1. Triết học pháp luật và lý luận chung về pháp luật: Sự đối lập giữa trường phái luật tự nhiên và thực chứng pháp lý Nếu như thuật ngữ THPL xuất hiện đầu thế kỷ 19 với tác phẩm nổi tiếng về triết học pháp quyền của Hegel, thì “lý luận chung về pháp luật” xuất hiện vào cuối thế kỷ 19, dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa thực chứng và chủ nghĩa kinh nghiệm, như một phản ứng chống lại THPL vốn rất thịnh hành lúc bấy giờ. Những người bảo vệ cho lý luận chung về pháp luật chỉ trích triết học pháp luật cổ điển vì đặc tính hoàn toàn tư biện của nó. Theo những người theo chủ nghĩa thực chứng thì những vấn đề cổ điển mà triết học giải quyết như: Luật pháp là gì ? Liệu tồn tại các tiêu chí của lẽ công bằng ?... sẽ dẫn tới những xem xét, đánh giá mang tính siêu hình, trong khi đó những người này lại muốn thiết lập một khoa học dựa trên các tiêu chí có thể định tính, định lượng được. Trong khi THPL dựa trên một thứ “luật pháp lý tưởng”, “vô trùng”, tách biệt mọi đánh giá về mặt giá trị, đạo đức và luân lý; lý luận chung về pháp luật chỉ muốn bàn đến pháp luật như nó vốn- đang-tồn tại, tức dựa trên luật thực định. Như vậy, chúng ta dễ dàng nhận thấy mối liên hệ giữa triết học pháp luật với học thuyết luật tự nhiên, cũng như mối liên hệ giữa lý luận chung về pháp luật và thực chứng pháp lý. Thậm chí đã có thời THPL được đánh đồng với luật tự nhiên, đặc biệt là đầu thế kỷ 19: Ví dụ, trong tác phẩm nổi tiếng về triết học pháp luật mang tựa đề “Giáo trình luật tự nhiên hay triết học pháp luật, tạo lập theo tình trạng hiện tại của khoa học này ở nước Đức” , xuất bản lần đầu vào năm 1839 triết gia-luật gia người Đức Heinrich Ahrens đã sử dụng thuật ngữ “luật tự nhiên” và “triết học pháp luật” như những khái niệm tương đương . Trong khi đó, lý luận chung về luật pháp được phổ biến mạnh mẽ trong nửa đầu thế kỷ 20, đặc biệt với sự ảnh hưởng của nhà luật học nổi tiếng người Áo Hans Kelsen (1881-1973), người đã trình bày cách luận giải được làm mới của chủ nghĩa thực chứng pháp lý thông qua công trình có tựa đề “lý thuyết thuần túy về luật pháp” . Những người nghiên cứu lý luận pháp luật tìm thấy ở cuốn sách này của Kelsen sự đoạn tuyệt thực sự về mặt khoa học luận: Đối với Kelsen thì sự đối lập giữa THPL và lý luận pháp luật là một sự lựa chọn mang tính phương pháp luận có cân nhắc. Bởi vì theo ông, những người ủng hộ nhiệt thành giảng dạy triết học pháp luật thường là những tín đồ của luật tự nhiên, và cũng vì thế các tác phẩm của những người này thường là sự tiếp nối và kéo dài của những chuyên luận về luật tự nhiên vốn thịnh hành trong suốt thế kỷ 17 và 18. Chính sự đồng nhất triết học pháp luật và học thuyết của những người theo trường phái luật tự nhiên đã thúc đẩy Hans Kelsen chọn cụm từ “lý thuyết thuần túy” cho cuốn sách đầu tiên của ông về lý luận chung về pháp luật . Trong “Lời đề dẫn” cho lần xuất bản đầu tiên của cuốn sách này vào năm 1934, Kelsen giải thích cách hiểu của ông về lý luận pháp luật như là “lý luận tách khỏi mọi ý thức hệ chính trị và mọi yếu tố thuộc về ngành khoa học tự nhiên… Mục đích của tôi là xây dựng lý thuyết pháp luật thành một khoa học thực thụ” . Chính Kelsen đã cùng với giáo sư luật người Pháp Léon Duguit và nhà luật học người Tiệp Khắc Frantz Weyr, lập ra tạp chí quốc tế đầu tiên về lĩnh vực này với tên gọi “Tạp chí quốc tế về lý luận về luật pháp”, xuất bản song ngữ Pháp-Đức (Revue internationale de la théorie du droit-Internationale Zeitschrift für Theorie des Rechts). Từ đây lý luận về pháp luật-thực chứng pháp lý trở thành một trào lưu áp đảo trong nghiên cứu pháp lý. Sự thắng thế của thực chứng pháp lý cũng đồng nghĩa với sự “lép vế” tạm thời của triết học pháp luật trong những năm 30 của thế kỷ 20. Thậm chí các học giả hạn chế sử dụng tiêu đề liên quan đến THPL để đặt tên cho các công trình nghiên cứu của mình, bởi cái nhìn tiêu cực của giới học thuật đối với triết học pháp luật-luật tự nhiên. Theo những người làm công tác thực tiễn (quan tòa, luật sư…), triết học pháp luật dựa trên ý tưởng mà theo đó “các giải pháp cho các vấn đề pháp lý phải được tìm kiếm trong các tác phẩm triết học chứ không dựa trên các kinh nghiệm pháp lý” . Mặt khác, việc các luật gia không tìm thấy trong triết học pháp lý những phản ánh thực tiễn hoạt động và suy luận của của mình khiến họ quay lưng lại với lối tư duy triết học. Tuy vậy, ngay trước Chiến tranh Thế giới thứ hai, trường phái luật tự nhiên, vốn tạo lập nền tảng của một thứ luật pháp công bằng và xác định những giới hạn của quyền lực Nhà nước đối với công dân, đã được quan tâm trở lại, đặc biệt là tại Đức trong bối cảnh chính trị đặc biệt của quốc gia này, với việc đảng Quốc xã lên nắm quyền. Triết học pháp luật chỉ phải chịu một sự suy yếu tương đối trước sự lên ngôi của lý luận chung về pháp luật, thuật ngữ “triết học pháp luật” vẫn được sử dụng để đặt tên cho các công trình nghiên cứu cũng như trong giảng dạy đại học. Trong những năm 1950, với sự phát triển của triết học phân tích tại Anh và Mỹ, chủ nghĩa thực chứng pháp lý lại được phát triển mạnh mẽ, cũng đồng nghĩa với sự quay trở lại mạnh mẽ của bộ môn “lý luận chung về pháp luật” (General Theory of Law) trong giới hàn lâm cũng như trong giảng dạy đại học. Ngày nay, đa phần các tác giả phân biệt rạch ròi THPL với LLCVPL với tư cách hai khoa học khác nhau, điển hình là giáo sư luật người Bỉ Van Hoecke Mark . Theo ông, THPL là một môn học tư biện và quy chuẩn, bao gồm các bộ phận cấu thành sau đây: - Bản thể học pháp luật, nghiên cứu bản chất của luật pháp và một số khái niệm như dân chủ, Nhà nước hay cá nhân, mối quan hệ giữa luật pháp và đạo đức (nhất là về quyền con người). - Khoa học luận pháp luật, được quan niệm như sự xem xét các khả năng đạt tới nhận thức về bản chất của pháp luật. - Thuyết mục đích của pháp luật, có chức năng nhằm xác định mục đích của luật pháp. - Lô gic học pháp lý, tìm cách phân tích các luận chứng pháp lý. Trong khi đó lý luận chung về pháp luật, theo Van Hoecke Mark, chỉ nhằm mô tả và phân tích luật pháp như nó đang là trong thực tế, thông qua việc sử dụng một phương pháp khoa học, và tách biệt với mọi đánh giá về giá trị (lẽ công bằng, đạo đức, luân lý…). Như vậy, lý luận chung về pháp luật không thay thế triết học pháp luật, vốn tồn tại song song nhưng có mức độ trừu tượng cao hơn. Sự phân chia này có vẻ là hợp lý, nhưng theo chúng tôi không phù hợp với việc sử dụng trên thực tế thuật ngữ “triết học pháp luật” và “lý luận chung về pháp luật”. Trong thực tiễn, không phải lúc nào cũng có thể quy ra mối quan hệ qua lại giữa tựa đề của một công trình nghiên cứu và danh sách những vấn đề nó sẽ đề cập, cũng như mức độ trừu tượng, phương pháp nghiên cứu mà tác giả sử dụng, hay trường phái học thuyết mà người này theo đuổi. Thường gặp nhất, lý luận chung về pháp luật có một ngữ nghĩa thực định, tuy nhiên có thể có trường hợp một công trình nghiên cứu với tựa đề “lý luận chung…” nhưng lại hoàn toàn tư biện, được viết bởi một người theo trường phái luật tự nhiên, trong khi với một công trình khác, ngược lại, cho dù được viết bởi một người theo chủ nghĩa thực chứng nhưng lại có tiêu đề “triết học luật pháp”. 2. Tính đa nguyên của thuyết luật tự nhiên và thực chứng pháp lý Trên thực tế, việc quy một tác giả vào một trường phái nào đó phụ thuộc vào định nghĩa và lựa chọn các tiêu chí đánh giá, và việc sắp xếp này không phải luôn hợp lý, có khi gây tranh cãi. Ngay cả Hans Kelsen, thường xuyên được nhìn nhận như một trong những đại diện quan trọng nhất của chủ nghĩa thực chứng pháp lý, cũng có khi bị chính những người theo thuyết thực chứng quy là người theo “chuẩn-thực chứng”, cũng có nghĩa thuộc vào số những người theo “phái luật tự nhiên”. Các tiêu chí đưa ra để đánh giá rất đa dạng, đến mức sẽ hợp lý hơn hơn hết là nói về chủ nghĩa thực chứng và luật tự nhiên ở số nhiều, tức là cần nhìn nhận tính đa nguyên tồn tại chính trong bản thân hai hệ thống học thuyết này. 2. 1. Các phái sinh của học thuyết luật tự nhiên Dù tồn tại nhiều dòng phái sinh của trường phái luật tự nhiên, chúng ta có thể thấy rằng những người theo trường phái này có ít nhất một điểm chung: tính nhị nguyên. Trong khi những người theo chủ nghĩa thực chứng pháp lý cho rằng nói chung chỉ tồn tại duy nhất một thứ luật pháp-luật thực định, và hoạt động của luật gia chỉ có thể dựa trên thứ luật thực định duy nhất này-thứ luật pháp được tạo ra bởi con người. Ngược lại, những người theo thuyết luật tự nhiên cho rằng tồn tại hai loại luật pháp: luật thực định và luật tự nhiên, và thứ luật tự nhiên này có thể nhận thức được. Như vậy, cần phải nhấn mạnh tới sự bất đối xứng giữa phái luật tư nhiên và thực chứng: Phái thực chứng phủ nhận sự tồn tại của luật tự nhiên, trong khi phái luật tự nhiên thừa nhận sự tồn tại của luật thực định nhưng cho rằng thứ pháp luật này thấp hơn và phải phù hợp với “pháp luật tự nhiên”. Có nghĩa là luật tự nhiên và luật thực định được tổ chức theo trật tự thứ bậc. Các biến thể phái sinh liên quan chủ yếu tới bản chất của thứ pháp luật tự nhiên này, tới mối quan hệ của nó với luật thực định và dĩ nhiên là tới nội dung của luật tự nhiên. Dựa trên bản chất của luật tự nhiên, các khảo cứu của giáo sư triết học pháp luật người Pháp Michel Villey đã chỉ ra trong lịch sử tư tưởng pháp lý sự tồn tại nhiều quan niệm rất khác nhau, thậm chí có khi đối lập nhau ngay trong bản thân trường phái luật tự nhiên. Trước hết là sự khác nhau giữ học thuyết luật tự nhiên cổ điển và hiện đại: Học thuyết luật tự nhiên cổ điển là khoa học luật pháp La Mã, chịu ảnh hưởng của triết học Aristote. Luật pháp không phải là tập hợp cả nguyên tắc mà nó là một “sự vật”, thông qua “sự vật” này, các quan hệ công bằng giữa con người được thiết lập. Các quan hệ này không phải là thứ được nghĩ ra và mong muốn bởi con người, mà nó có một “đời sống thực” (une existence réelle). Luật pháp như vậy chứa đựng sự cân đối, tạo nên một trật tự xã hội hài hòa và tự nhiên, độc lập với ý chí con người. Nhiệm vụ của khoa học là khám phá ra thứ luật tự nhiên này thông qua phép quy nạp và trình bày lại dưới dạng những chỉ dẫn. Trường phái luật tự nhiên hiện đại về cơ bản chịu ảnh hưởng của triết học duy danh (nominalism), theo đó hiện thực duy nhất là cá nhân-con người và rằngdựa vào bản tính của riêng họ,mỗi người sở hữu, các “quyền chủ thể” ; con người có thể khám phá được các quyền này với sự hỗ trợ của lý tính, và thông qua việc xem xét bản tính của con người. Quyền lực chính trị không tạo nên mà có nghĩa vụ thừa nhận các quyền đó, con người có thể đòi được hưởng các quyền chủ thể này. Như vậy, thuyết luật tự nhiên là nguồn gốc của các quyền con người. Liên quan đến đối tượng hướng đến của luật tự nhiên, chúng ta có thể phân biệt giữa các dòng phái sinh quan niệm luật tự nhiên dành cho phía lập pháp và dòng quan niệm luật tự nhiên có đối tượng là tất cả mọi người. Trong trường hợp luật tự nhiên dành cho nhà làm luật, khi soạn thảo ra luật chủ thế này phải dựa theo các nguyên tắc của luật tự nhiên, nếu phía lập pháp không tuân theo điều này, con người vẫn phải có nghĩa vụ tuân theo. Trong trường luật tự nhiên hướng tới tất cả mọi người, người ta có thể quan niệm về một thứ luật tự nhiên thiếu vắng nội dung cụ thể và chủ yếu làm cơ sở cho tính hợp pháp của nhà làm luật, đến mức mọi đối tượng có nghĩa vụ phải phục tùng sự chỉ đạo của nó (ví dụ quan niệm của Hobbes trong tác phẩm “Léviathan”), hoặc là người ta quan niệm về một thứ luật tự nhiên chứa đựng các “quyền chủ thể” mà con người có thể đòi được hưởng, thậm chí là chống lại phía lập pháp (Locke, trong Hai chuyên luận về Nhà nước, 1690-Two Treatises of Government). Từ sự phân biệt này mà quan hệ giữa luật tự nhiên và luật thực định cũng tất yếu thay đổi. Ngoại trừ trường hợp luật tự nhiên thiết lập nên cơ sở của luật thực định - vốn buộc phải dựa trên và phải phù hợp với luât tự nhiên, phần lớn các phái sinh của thuyết luật tự nhiên còn lại đều dùng luật tự nhiên như một phương tiện để giới hạn luật thực định. Một số tác giả quan niệm rằng luật thực định trái với luật tự nhiên không mang tính pháp lý, các các đối tượng pháp luật có thể nhận thấy sự mâu thuẫn này bằng lý tính, nhưng vẫn phải có nghĩa vụ phục tùng. Trong khi đó, một số tác giả khác đánh giá rằng quy phạm trái với luật tư nhiên vẫn mang tính pháp lý, bởi vì nó đã được tạo ra, nhưng quan tòa có quyền gạt bỏ quy phạm đó. Một số tác giả khác đưa ra lập trường mang tính ôn hòa hơn, theo đó luật tự nhiên không thể chỉ thị cho luật thực định tuân theo hay không tuân theo. Luật thực định là luật là cái-đang-có, còn luật tự nhiên là cái-cần-phải-có, và sự đối chiếu với luật tự nhiên chỉ có chức năng cho phép sự đánh giá luật thực định về mặt đạo đức hay chính trị. Về nội dung của luật tự nhiên, nó là chủ đề của các biến tấu vô tận, vì nếu luôn tồn tại sự đồng thuận rằng nội dung của lẫn cần dẫn chiếu tới lý tưởng của lẽ công bằng, thì các quan niệm khác nhau về lẽ công bằng sẽ dẫn tới những luận thuyết rất khác nhau. Ví dụ, chúng ta có thể tìm thấy luật tự nhiên Cơ đốc giáo nhưng cũng tìm thấy quan niệm luật tự nhiên kiểu Quốc-xã (phát xít). Thuyết tự nhiên là đối tượng chỉ trích của những người theo chủ nghĩa thực chứng. Các chỉ trích này cơ bản dựa trên vấn đề liên quan đến tri nhận luận đạo đức (cognitivism ethics), tức là luận đề theo đó tồn tại các giá trị mang tính khách quan và có thể nhận biết được (tri giác được). Trái lại, phần lớn những người theo chủ nghĩa thực chứng pháp lý cho rằng các giá trị mang tính khách quan đó không tồn tại, dù sao đi nữa (người ta) chỉ có thể nhận biết những gì-đang-tồn tại, và từ sự hiểu biết về cái-đang-tồn tại đó, chúng ta không thể phái sinh ra một “cái-phải-là”. Cũng vậy, các hành vi được gọi là công bằng hay bất công không phải bởi vì bản thân hành vi đó thực sự chứa đựng đặc tính đúng, công bằng hay bất công, mà bởi vì nó được dựa trên sựa lựa chọn và mong muốn của chính chúng ta. Vì vậy, đối với những người theo thuyết thực chứng pháp lý, lẽ công bằng là một khái niệm mang tính chủ quan và tương đối. 2.2. Các trào lưu thực chứng pháp lý Điều chắc chắn và không phải bàn cãi rằng thực chứng pháp lý đặc trưng bởi sự tách bạch giữa luật pháp và đạo đức. Tuy nhiên, bản thân “thực chứng pháp lý” cũng có thể hiểu dưới nhiều giác độ khác nhau. Theo nhà triết học pháp luật nổi tiếng người Ý Norberto Bobbio , chúng ta có thể có 3 cách hiểu: Thực chứng (positivism) như quan niệm về một ngành khoa học-khoa học pháp lý (1), như một lý luận về luật pháp (2), và như một lý tưởng luật pháp (3). Trong nghĩa đầu tiên, nhận thức về luật pháp không phụ thuộc vào bất kỳ đánh giá đạo đức nào; trong nghĩa thứ hai, nội dung của luật pháp không phụ thuộc vào đạo đức; trong cách hiểu thứ ba, luật pháp phải thay thế đạo đức. Giữa ba phương diện này của thực chứng, không nhất thiết có mối liên hệ. Có nghĩa là một tác giả có thể là người theo chủ nghĩa thực chứng dưới góc độ luật học, không nhất thiết phải là người cổ vũ cho lý luận pháp luật thực chứng hay lý tưởng thực chứng. 1. Thực chứng pháp lý theo cách tiếp cận thứ nhất được đặc trưng bởi lòng tin và mong muốn tạo dựng một khoa học pháp lý thực sự, dựa trên mô hình của các khoa học tự nhiên. Điều này sẽ dẫn tới một số hệ quả: Trước hết cần phân tách “khoa học” (ở đây là khoa học pháp lý) với chính đối tượng của nó, có nghĩa là cần có sự phân biệt rạch ròi giữa luật và luật học. Khoa học được hiểu là việc nhận thức một đối tượng bên ngoài. Tiếp đó cần phải mô tả đối tương này mà không có những đánh giá về mặt giá trị (định đề Wertfreiheit - tạm dịch là “tính trung lập về giá trị”). Luật pháp được nhận dạng không kèm theo các đánh giá về nó, mà luật pháp (đối tượng của khoa học pháp lý) chỉ bao gồm các mô tả các sự việc, hiện tượng, không phải là một tập hợp các sự vật, hiện tượng (này) với một đánh giá về mặt giá trị nào đó. Cuối cùng, đối tượng của khoa học này chỉ có thể là luật thực định, có nghĩa là thứ luật pháp được lập nên bởi quyền lực chính trị, loại trừ luật tự nhiên hay luân lý. Nói cách khác, “thực chứng” ở đây phản ánh rõ tính “thực định” của luật pháp. 2. Khi nó đặc trưng cho một quan niệm về khoa học pháp lý, chúng ta có thể phân làm hai phái sinh của “thực chứng”: thuyết quy chuẩn và thuyết duy thực. Thuyết quy chuẩn hướng tới thiết lập một khoa học theo mô hình phái sinh từ các khoa học thực nghiệm, nhưng lại là khoa học về một đối tượng không mang tính thực nghiệm-các quy phạm. Trái lại, thuyết duy thực tham vọng “cô đọng” luật pháp lại thành tập hợp các sự kiện-hành xử của cơ quan tư pháp, và từ đó biến khoa học pháp lý thành một khoa học thực nghiệm. Liên quan đến lý luận pháp luật, các tác giả mà chúng ta vẫn thường gọi là các nhà lý luận luật học ủng hộ thực chứng pháp lý, những người này ủng hộ các luận thuyết rất đa dạng và thường là không ăn nhập với nhau. Tuy nhiên có một chủ đề chung có sự thống nhất giữa những người này là sự tán thành tách luật pháp ra khỏi đạo đức. Người ta vẫn nhìn nhận rằng luận thuyết thực chứng pháp luật quan niệm nội dung của luật pháp hoàn toàn trung lập về mặt đạo đức. Ý tưởng như thế bị bác bỏ bởi chính thuyết thực chứng pháp luật, vốn nhấn mạnh rằng các quy phạm pháp luật thể hiện những lựa chọn về mặt đạo đức của những người tạo ra nó. Sự tách bạch giữa pháp luật và đạo đức chỉ thể hiện ở chỗ nghĩa pháp luật không được xây dựng dựa trên một hệ quy chiếu đạo đức nào đó (Ví dụ: luật pháp thần quyền). 3. Nghĩa thứ ba của thực chứng pháp lý như một “lý tưởng về lẽ công bằng”, đòi hỏi sự phục tùng mọi luật pháp đặt ra, bởi vì người ta cho rằng nó công bằng, hoặc bởi vì chỉ đơn giản đó là luật pháp (thường được diễn đạt bằng công thức Gesetz ist Gesetz-luật là luật), theo đó tồn tại một nghĩa vụ đạo đức buộc con người phải phục tùng luật pháp mà không cần quan tâm đến nội dung của luật pháp (có công bằng và hợp lý hay không). Đây chính là điểm người ta thường phê phán “lý tưởng thực chứng” - vốn khuyên nhủ con người sự phục tùng quyền lực vô điều kiện, cũng như tạo điều kiện cho các chế độ chuyên quyền lên ngôi. Nhưng cần phải nhắc lại rằng thực chứng theo nghĩa này là một lý tưởng về lẽ công bằng, nên nó đối lập với thực chứng nghĩa thứ nhất-một quan niệm về khoa học pháp lý. Có nghĩa là, giống như một cách tiếp cận, nó gần với thuyết luật tự nhiên, bởi vì nó không tự hạn chế ở việc mô tả luật pháp, mà đưa ra những đánh giá về mặt giá trị cũng như các chỉ dẫn. Theo cách phân loại của Michel Villey, để đơn giản hóa, chúng ta có thể chia thành “luật tự nhiên cổ điển” của Aristote và Thomas d’Aquin giảng dạy, trường phái “luật tự nhiên hiện đại” (với Grotius, Pufendorf, Wolff, Burlamaqui…), phái Kant-mới (Neo-Kantianism) với chi phái “luật tự nhiên với nội dung biến thiên” (Naturrecht mit wechselndem Inhalt, với Stammler, Del Vecchio và Gény), và cuối cùng là phái Thomas-mới (Neothomisme, với Dabin là đại diện tiêu biểu). Sự đa dạng cũng tồn tại ngay trong trường phái thực chứng, với thuyết ý chí pháp lý (Scot, Hobbes, Benham, Austin, Carrré de Malberg), trường phái chú giải, chủ nghĩa quy phạm (Kelsen), trường phái xã hội học (Ehrlich, Gurvitch, Duguit, Cardozo, Pound), lý thuyết phân tích pháp luật (Hart, Bobbio, Guastini), chủ nghĩa duy thực Mỹ (Holmes, Bingham, Frank, Llewellyn, Cohen), chủ nghĩa duy thực Bắc Âu (Hägerström, Olivecrona, Ross) và cuối cùng là thuyết thể chế (với Hauriou, MacCormick, Weinberger). Cách liệt kê và phân loại này chỉ mang tính tương đối và giản lược, bởi vì mỗi tác giả có thể gắn bó với nhiều dòng và trào lưu khác nhau, thêm nữa ngay trong mỗi trào lưu có thể có nhiều tác giả bất đồng, thậm chí đối lập nhau. Sự đa dạng về các trường phái là một đặc trưng của tư tưởng triết học pháp luật. Chính nhà triết học pháp luật nổi tiếng gười Ý Noberto Bobbio diễn đạt sự phức tạp và chồng lấn này như sau: “Trên bình diện học thuyết, nơi không dành chỗ cho sự lẩn tránh, tôi là người theo thuyết luật tự nhiên. Trên góc độ phương pháp luận, tôi là người theo thuyết thực chứng với niềm tin manh mẽ. Cuối cùng, trên bình diện lý luận về pháp luật tôi không theo trường phái nào cả” . 3. Sơ lược về thực trạng triết học pháp luật ở một số quốc gia Cho tới gian đoạn gần đây, triết học pháp luật được nghiên cứu theo cách hoàn toàn khác nhau ở mỗi quốc gia, với những truyền thống và đặc trưng riêng. Tại Đức, triết học pháp luật đã từng phát triển cực thịnh từ đầu thế kỷ 19, xuất phát từ nhiều nhân tố khác nhau, trước hết là sự phát triển mạnh mẽ của triết học nói chung tại nước này, tiếp đó xuất phát từ các cuộc tranh luận xoay quanh cấu trúc và vai trò của Nhà nước (So với nhiều quốc gia Châu Âu, Đức là một quốc gia non trẻ). Tại Đức, tranh luận giữa những người theo thuyết tự nhiên và những người ủng hộ thực chứng học đã diễn ra rất gay gắt trong những năm 30 khi đảng Quốc- xã lên nắm quyền. Tranh luận giữa hai trường phái này được tiếp tục sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, trong bối cảnh chính trị và thể chế đặc biệt của nước Đức trong giai đoạn này: Chủ nghĩa thực chứng bị cáo buộc đã giúp sức cho sự nắm quyền của chế độ phát xít toàn trị, nhờ thế một số ý tưởng của trường phái luật tự nhiên được ghi nhận vào trong hiến pháp mới của nước Đức sau chiến tranh. Tại Italy, cũng thường diễn ra tranh luận giữa những người Công giáo (ủng hộ thuyết tự nhiên) và những người thế tục (theo chủ nghĩa thực chứng). Người ta cũng ghi nhận các xu hướng triết học pháp luật mới tại nhiều quốc gia: chủ nghĩa thực chứng phân tích tại Italy, chủ nghĩa duy thực ở các nước Bắc Âu. Tại Pháp, vai trò của triết học pháp luật tương đối yếu ớt. Môn học này không phải là môn học bắt buộc cho sinh viên viên luật như tại các nước láng giềng. Và trước đây rất ít trường đại học giảng dạy môn học này tại khoa triết hay khoa luật. Tại Pháp các cuộc tranh luận giữa các trường phái triết học pháp luật không diễn ra gay gắt như một số nước khác. Điều này có thể giải thích một phần bởi xu hướng pháp luật tập trung (légicentrisme) vốn có ảnh hưởng sâu rộng trong văn hóa pháp lý của quốc gia này. Theo đó, các văn bản luật là nguồn duy nhất của luật pháp và tất cả các quyết định đưa ra bởi cơ quan hành chính hay tư pháp chỉ đơn giản là diễn giải luật lệ sẵn có. Cũng thế, cơ quan quản lý nhà nước, tòa án hay luật sư chỉ đơn thuần áp dụng văn bản luật, không được phép tìm các giải pháp ngoài các văn bản này, cũng như không được xem xét các câu hỏi về bản chất hay cơ sở của luật pháp, không được quyền lật lại các khái niệm nền tảng. Chính vì thế các trường luật chỉ đơn giản là cung cấp sự đào tạo thuần túy mang tính kỹ năng. Tuy nhiên với xu thế toàn cầu hóa và giao lưu học thuật, tình trạng này dần đổi khác ở Pháp cũng như nhiều nước phương Tây khác, các truyền thống, đặc trưng mang tính quốc gia dần mờ nhạt, nhất là trong lĩnh vực nghiên cứu. Điều này xuất phát từ sự phát triển của các phương tiện liên lạc và sự lên ngôi của tiếng Anh, tạo điều kiện cho sự giao lưu học thuật được dễ dàng. Sự thay đổi sâu rộng về chính trị, kinh tế và công nghệ tác động lên tất cả các quốc gia phương Tây, nhưng lại có những tác dụng trái ngược lên triết học pháp luật: Những thay đổi đó dẫn tới việc tạo ra ngày càng nhiều những quy phạm mới, buộc người ta kỹ thuật hóa càng cao nghề luật và sự thờ ơ với các vấn đề lý thuyết. Giới hành nghề luật phải chú tâm đến các vấn đề luật thực định chuyên biệt trước khi quan tâm đến các vấn đề thuần túy lý thuyết như triết học pháp luật. Mặt khác, những thay đổi sâu rộng của xã hội Phương Tây sau Chiến tranh thế giới thứ hai cũng đặt ra những vấn đề mới, ví dụ như câu hỏi về các cơ sở của các quy phạm mới, sự thích đáng của các khái niệm pháp lý truyền thống trong bối cảnh mới, đánh giá lại vai trò của Nhà nước và cách thức Nhà nước đảm bảo vai trò đó mở đường cho triết học pháp luật những chân trời nghiên cứu mới. Hiện nay chúng ta chứng kiến sự nở rộ của các công trình nghiên cứu rất đa dạng. Đại hội được tổ chức thường xuyên và các công bố của Hiệp hội quốc tế về triết học pháp luật và triết học xã hội (IVR) liên quan đến các cách tiếp cận rất đa dạng về lĩnh vực cho tới đối tượng nghiên cứu, cho chúng ta thấy sự phong phú đa dạng này. Các công trình nghiên cứu liên quan đến tất cả các trường phái triết học khác nhau, từ hiện tượng học cho tới chủ nghĩa kinh nghiêm lô-gic, từ xã hội học cho tới kinh tế, các ngành khoa học nhân văn, thậm chí tới triệu chứng học và phân tâm học. Các tác giả phát triển các trào lưu truyền thống như luật tự nhiên, thực chứng pháp lý, đồng thời tới tìm cách vượt qua sự đối lập truyền thống giữa hai dòng triết học luật pháp chủ đạo này. Một số trào lưu mới xuất phát từ lý thuyết thực chứng như tân-thực chứng ở Bắc Âu, số khác phái sinh từ thuyết duy thực như Critical Legal Studies tại Mỹ cũng có những bước phát triển mạnh mẽ. Liên quan đến đối tượng nghiên cứu, chúng ta có thể ghi nhận sự quan tâm được làm mới dành cho bản chất của pháp luật. Triết học pháp luật truyền thống nghiên cứu nội dung của pháp luật và tất cả những thực thể mà dựa trên nó pháp luật được tạo lập như sở hữu, hợp đồng hay Nhà nước. Trái lại, lý luận pháp luật theo định hướng thực chứng, bởi vì lý luận pháp luật từ chối lối tư duy siêu hình và muốn tự hạn chế ở việc mô tả một cách chung nhất luật thực định, nghiên cứu những gì chung cho mọi hệ thống pháp luật. Thế nhưng, những gì chung nhất lại chỉ là hình thức hoặc cấu trúc của luật pháp, trong khi đó nội dung của các quy phạm lại rất khác nhau ở mỗi nước. Tài liệu tham khảo [1] Heinrich Ahrens (1939), Cour de droit naturel ou de philosophie du droit : fait d’après l’état actuel de cette science en Allemagne, Paris, Brockhaus et Avenarius, 1839, 300 tr. [2] Norberto Bobbio (1993), “Philosophie du droit”. In Arnaud André-Jean (sous la dir.) Dictionnaire encyclopédique de théorie et de sociologie du droit, Paris, LGDJ ; 2e éd. [3] Billier Jean Cassien, Maryoli Aglaé (2001), Histoire de la philosophie du droit. Paris, A. Colin., 328 tr. [4] Jean-Pascal Chazal (2001), Philosophie du droit et théorie du droit, ou l’illusion scientifiaque. In Archives de philosophie du droit 45 (2001), Paris, Dalloz, 2001, n. 45, tr. 303-333. [5] Benoît Frydman, Guy Haarcher (2010), La philosophie du droit. Paris, Dalloz, 3e éd., 138 tr. [6] Van Hoecke Mark, Jan Gijssels (1985), What is Legal Theory, Leuven, Acco, 146 tr. [7] Bjarne Melkevik (2000), Réflexions sur la philosophie du droit, l’Harmattan-Les Presses de l’Université Laval, 214 tr. [8] Michel Troper (2011), La philosophie du droit, Paris, PUF ; 3e édi., coll « Que sais-je », 124 tr. [9] Michel Villey (2013), La formation de la pensée juridique moderne, Paris, Presses universitaires de France, 2e éd.; 624 tr. [10] Michel Villey (2009), Critique de la pensée juridique moderne : douze autres essais, Paris, Dalloz, 274 tr. [11] Michel Villey (2002), Leçons d'histoire de la philosophie du, Paris, Dalloz, 318 tr.

Thứ Ba, 24 tháng 11, 2015

Nhà nước pháp quyền: nhận thức của cộng đồng quốc tế

Nhà nước pháp quyền được quan niệm như một phương thức tổ chức quyền lực nhà nước với các thuộc tỉnh về hình thức cũng như nội dung. Ban đầu được phổ biến và áp dụng tại một số quốc gia phương Tây, Nhà nước pháp quyền dần trở thành một yêu cầu mang tính giả trị đặt ra cho mọi Nhà nước. Bên cạnh quá trình tiếp nhận, phổ biến ở cấp độ quốc gia, Nhà nước pháp quyền dần trở thành một chuẩn mực trong quan hệ quốc tế, bên cạnh chuẩn mực về dân chủ và tôn trọng, bảo vệ quyền con người.

NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA QUYỀN CON NGƯỜI TRONG TRIẾT HỌC PHƯƠNG TÂY

Dẫn nhập Nhiều công trình nghiên cứu về quyền con người dưới nhiều góc độ khác nhau được tiến hành ở Việt Nam trong những năm vừa qua. Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu này chủ yếu trình bày quyền con người dưới góc độ luật pháp, đặc biệt là dưới góc độ luật pháp quốc tế và các cơ chế bảm đảm quyền con người . Quyền con người dưới góc độ triết học gần như không được đề cập, mặc dù các triết gia là những người đầu tiên đề ra các quan niệm về quyền con người trước khi các quyền này được thể chế hóa trong luật thực định các quốc gia cũng như các văn bản của luật pháp quốc tế. Thời điểm xuất hiện của luận thuyết về quyền con người là vấn đề gây tranh cãi. Người ta thường chú ý đến sự cụ thể hóa quyền con người trong các văn kiện quốc gia, tức luật thực định mà có xu hướng bỏ qua các tác phẩm triết học làm tiền để cho sự lên ngôi của quyền con người. Hơn nữa, sự lựa chọn văn bản luật thực định nền tảng của quyền con người khác nhau ở từng quốc gia: Tại Pháp là Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền, được Quốc hội lập hiến thông qua ngày 26 tháng 8 năm 1789, được xem như văn bản thiết lập nên chế độ mới. Văn bản này là sự tiếp nối của Tuyên ngôn độc lập của nước Mĩ được Quốc hội thông qua ngày 4 tháng 7 năm 1776, và tại Anh Quốc là bản Tuyên ngôn về các quyền (The Bill of Rights) được soạn thảo năm 1688, được công bố ngày 13 tháng 2 năm 1689. Cho đến thế kỷ 17-18, các quyền này mới được công nhận bởi luật thực định. Chúng tôi cho rằng, giai đoạn quan trọng nhất trong tiến trình hình thành và phát triển của nhận thức triết học về quyền con người là giai đoạn Cận đại. Thời kỳ này kế thừa và bổ sung những tư tưởng về quyền con người của các giai đoạn trước; đây cũng là giai đoạn các luận thuyết về quyền cơ bản của con người được cụ thể hóa thành văn bản luật của Nhà nước. Như chúng ta đã biết, quyền cơ bản của con người là quyền được sống trong tự do, được tôn trọng nhân cách, lương tri và phẩm giá, được Nhà nước thừa nhận, pháp luật bảo đảm bằng các cơ chế hữu hiệu về quyền sống của một CON NGƯỜI. Vì thế, chủ nghĩa nhân đạo, triết lý về nhân phẩm và tôn vinh con người là nguồn gốc của sự hình thành và phát triển quyền con người. 1. Những tư tưởng đầu tiên về quyền con người trong triết học Cổ đại và Trung đại Trong các tác phẩm của mình, Aristote (384 TCN - 322 TCN) đã phân biệt giữa những gì thuộc “lẽ công bằng tự nhiên” và những gì là “công bằng bởi quy ước”. Nhiều cuộc hội thoại của Platon (khoảng 427 TCN - 347 TCN) đã đánh giá luận đề của những nhà ngụy biện về luật tự nhiên và sự đối lập tồn tại giữa tự nhiên (phusis) và luật lệ (nomos). Nhân vật Callicles trong các đối thoại của Platon cho rằng pháp luật được tạo nên nhằm bảo vệ kẻ yếu chống lại uy quyền của sức mạnh. Tương tự, nhà thông thái Hippias (khoảng 465 TCN-390 TCN) đối lập mối liên hệ tự nhiên giữa các thành viên trong một gia đình với luật lệ vốn áp đặt bởi sức mạnh của nhiều điều với tự nhiên. Trong tác phẩm “Các luật lệ” của Platon, nhân vật Athénien không thừa nhận tồn tại thứ luật lệ công bằng một cách tự nhiên, mà cho rằng luật lệ là một đối tượng của tranh cãi và thay đổi, mỗi thứ trong đó được thực hiện một cách nhân tạo . Sau khi nêu ra ý kiến của các nhà ngụy biện về chủ đề này, Aristote phân biệt ở ngay bên trong sự công bằng về mặt chính trị một uy lực mang tính tất nhiên. Bởi vì theo ông, uy lực này có cùng một giá trị ở khắp mọi nơi và không hề phụ thuộc vào việc quan điểm số đông chấp nhận hay từ chối giá trị này . Trong “Tu từ pháp”, Aristote đặt các luật lệ được thừa nhận bởi sự đồng thuận phổ biến với các luật lệ cá biệt chi phối trong mỗi thành bang . Triết học Hi Lạp sau đó được tiếp sức bởi những người theo chủ nghĩa khắc kỷ và Ciceron (106 TCN - 43 TCN). Cả ba dòng này ảnh hưởng tới các nhà luật học La Mã thời Đế chế, những người này phân biệt luật pháp thành bang (ius civile) chỉ dành riêng cho người có quy chế công dân, và thứ luật pháp chung cho mọi người được gọi là ius gentium (luật dành cho mọi người), nhưng cũng được gọi là ius naturale hay lex naturalis (luật tự nhiên). Thứ luật ius gentium này được quan án La Mã tạo nên nhằm mở rộng phạm vi của luật dành riêng cho công dân thành bang (ius proprium ipsius/civilitatis), cho phép những người không phải là công dân thành bang tiếp cận với các thiết chế để tiến hành các vụ việc liên quan đến cưới xin, hợp đồng, thừa kế, bồi thường thiệt hại... Cho nên, luật cho mọi người jus gentitum là một nhánh của luật La Mã dành cho những người không có quy chế công dân. Chủ nghĩa kinh viện thời Trung cổ thừa hưởng các triết lý được các nhà triết học Cổ đại đúc kết. Thomas Aquinas (1225-1274) phân biệt luật tự nhiên theo nghĩa hẹp, mà các luật lệ thực định không thể bỏ qua trong bất cứ trường hợp nào, và luật ius gentium – luật tự nhiên thứ cấp không có cùng một uy thế. Một số thiết chế, thân phận nô lệ và sở hữu có đặc tính này: Theo lẽ tự nhiên, mọi người đều tự do và bình đẳng, mọi vật với họ đều chung nhất, nhưng luật thực định có thể đẩy con người ta tới tình trạng nô lệ hoặc đặt ra các đặc quyền về sở hữu. Đối với các nhà tư tưởng thời Cổ đại và thời Trung cổ, luật tự nhiên không trao cho cá nhân các quyền cơ bản, vốn là đòi hỏi tiên quyết được những người sáng lập của nhân quyền và dân quyền nêu ra từ thế kỷ 17. Theo các quan niệm Cổ đại Hy Lạp - La Mã, tự do mang bản chất tập thể: chính thành bang tự do chứ không phải các thành viên của thành bang với tư cách cá nhân. Trong thành bang, các quyền chính trị là đặc quyền của một thiểu số các công dân. Đây là tàn tích của chế độ nô lệ, bị đánh giá là tương hợp với luận thuyết Cơ đốc giáo vốn cho rằng thứ tự do như thế là đủ. Nếu nhìn nhận dưới góc độ quan niệm hiện đại về quyền con người, vốn hướng tới bảo vệ phẩm giá của con người, thì chúng ta có thể tìm thấy những tuyên bố về phẩm giá con người đã có từ thời Cổ đại. Sự tương phản giữa loài vật hướng về mặt đất và “cái miệng cao cả được ban cho con người để ngắm nhìn bầu trời”(tức con người) đã xuất hiện trong những câu thơ đầu tiên của sử thi Metamorphose của nhà thơ La Mã Ovidius. Ông đã lấy cảm hứng từ các triết gia khắc kỷ, nhất là từ những bài giảng của triết gia Panetius (thế kỷ thứ 2 trước CN) được phát triển bởi Ciceron. Theo đó, con người được phân biệt với các loài vật khác bởi trí tuệ (celeritate mentis), chỉ duy nhất con người vươn lên bầu trời, con người khám phá ra luật lệ để điều khiển sự đều đặn của các tinh tú. Trong chuyên luận về nghĩa vụ (De officiis), Ciceron phân biệt hai loại sắc đẹp: vẻ duyên dáng (venustas) dành cho phụ nữ, và nhân phẩm (dignitas) của riêng người đàn ông . Bà con họ hàng với Chúa trời là một trong các sự thực khắc kỷ, người nô lệ cũng có tổ tiên là Chúa trời . Câu chuyện đầu tiên về Đấng sáng tạo trong sách “Sáng Thế” mô tả Thiên chúa làm ra con người theo hình ảnh của Người. Tiếp theo bằng một đoạn văn khác. Theo đó: “Đức chúa trời nặn ra con người từ đất sét, người thổi vào con người hơi thở cuộc sống và nhờ đó con người trở thành một sinh vật” . Từ hai câu chuyện về Đấng sáng tạo, nhà triết học thời Trung cổ Hugo de Sancto Victore (1096 - 1141) đã suy ra một hình thức của thuyết nhị nguyên đối lập con người tạo lên từ bùn đất (homo/homus), với bản thể vươn lên phía bầu trời (anthropos), và ông giải thích về 3 câu thơ trên của Ovidius. Bình luận câu chuyện về Đấng sáng tạo, các đức cha người Hi Lạp vào thế kỷ thứ 9 đã phân biệt con người với các loài động vật. Theo Saint Gréogoir de Nysse (sống khoảng 335-395), con người được đặt trên trái đất, tách biệt với giới tự nhiên của loài vật, con người tự phân biệt với các vật được sáng tạo ra khác bởi tư thế đứng thẳng và ngôn ngữ, cách diễn đạt bằng ký hiệu, bàn tay và luôn tự do để đạt tới điều này. Các thuộc tính này tương ứng với vị thế chúa tể muôn loài, và là những dấu hiệu của một phẩm cách đế vương, là cội nguồn để Chúa tạo ra con người, Chúa tạo tạo ra con người theo hình ảnh của chính mình và trao cho linh hồn một phẩm cách đế vương, cao đẹp. Trong bài thuyết giáo của John Chrysostom, tổng giám mục của Constantinopolis (sống khoảng 349-407), chứa đựng luận thuyết tương tự trong đó từ phẩm cách (dignitas) được thay bằng từ danh dự (honor). Các nhà nhân đạo chủ nghĩa đã tiếp tục phát triển các chủ đề liên quan đến phẩm cách con người để phản ứng chống lại chủ nghĩa bi quan của một số nhà tư tưởng tôn giáo. Cuốn sách viết bằng tiếng Latinh của nhà thơ Ý Francesco Petrarca (1304-1374) có hình thức của một đoạn đối thoại giữa hai nhân vật, trong đó một người mô tả sự khốn cùng của điều kiện con người, trong khi người kia biện luận về phẩm cách con người. Đoạn hội thoại là sự bác bỏ ngầm một văn bản được phổ biến rộng rãi trong giai đoạn cuối của Thời kỳ Trung cổ của Hồng y Lathaire, người sau trở thành giáo hoàng Innocent III, Petrarca triển khai chủ đề kinh thánh về việc con người được tạo ra theo hình ảnh của Đức Chúa: Ông dựa trên hai ý tưởng, một theo hướng nhân đạo dứt khoát và trình bày tỉ mỉ những điều huyền diệu của văn minh, sản phẩm của con người, còn ý tưởng còn lại hoàn toàn mang tính tôn giáo, con người có được phẩm cách từ khi sinh ra và được một thiên thần bảo vệ. Nếu quan niệm các quyền cơ bản có nguồn gốc trong triết học về quyền tự nhiên, thì chúng ta cần tìm kiếm các nguồn của nó vào giai đoạn muộn hơn của lịch sử triết học: giai đoạn Phục hưng. 2. Tư tưởng về quyền con người trong thời Phục hưng và Cải cách tôn giáo Di sản thời Cổ đại vẫn được lưu truyền và làm sâu sắc hơn trong suốt thời kỳ Trung cổ, nhưng các nhà nhân đạo chủ nghĩa thời kỳ Phục hưng mang tới cho nó một sức sống mới, trước hết thông qua việc khám phá lại các văn bản của Platon được những người Hi Lạp di cư mang tới Florence (Italia). Vào cuối thời kỳ Trung cổ, sức mạnh toàn năng của triết học Aristote được triết học của Thomas Aquinas củng cố bắt đầu bị dao động bởi triết học Phục hưng. Chúng ta có thể liệt kê nhiều triết gia của làn sóng Phục hưng thứ nhất: Hồng Y Bessarion (1400-1472), Marsilio Ficino (1433-1499), Pietro Pomponazzi (1462-1525) Mario Nizolius (1492-1540, Juan Luis Vives (1492-1540), Piere de la Ramé (1515-1572). Trong thời kỳ này, ca ngợi phẩm cách con người là một chủ đề cơ bản của chủ nghĩa nhân đạo (thế kỷ 15 và 16). Vào năm 1453 Giannozzo Manetti, công sứ tòa thành Florence tại Napoli đã công bố một tác phẩm mang tên: De dignitate et excellentia hominis (Bàn về nhân phẩm con người và điều tuyệt vời). Triết gia Ý thời Phục hưng Giovanni Pico della Mirandola (1463-1494), là tác giả của 2 cuốn sách có tiêu đề "Bàn về nhân phẩm con người" (1486, De hominis dignitate và Heptaplus (1489, bảy ngày sáng tạo). Trong tác phẩm De hominis dignitate, Pico della Mirandola chỉ rõ cách thức để con người gắng sánh kịp “nhân phẩm và vinh quang” của các thiên thần. Cuốn sách Heptaplus là bài thuyết trình về bảy ngày của Đấng sáng tạo. Trong đó mô tả con người chiếm một vị trí trung gian giữa các thiên thần và các vật được sáng tạo khác. Đồng thời, ông quan niệm rằng bằng việc sử dụng sáng suốt tự do của mình, con người có thể sánh ngang với các thiên thần nhưng nếu sử dụng sai tự do, con người sẽ bị hạ cấp xuống tình trạng tồi tệ hơn cả loài vật. Một nhân vật khác của tư tưởng nhân đạo là Carlos Bovillus (1475 - 1553), tác giả của tác phẩm có tựa đề “De sapiente” (Về người tinh khôn). Theo ông, con người giữ vị trí cao nhất trong tự nhiên: “Chỉ dành cho con người, tự nhiên đã trao tặng cho tư thế đứng thẳng để chiêm ngưỡng những điều tuyệt vời… Đầu của con người dĩ nhiên đĩnh đạc chiếm đỉnh cao nhất của cơ thể”. Và ông kết luận: “Các bản thể của tự nhiên tồn tại ba dạng: thực vật, động vật nửa đứng, hướng về một phía và bản thể là con người, luôn hướng lên cao và ở đỉnh cao nhất thế gian” . Nói cách khác, theo Bovillus, chức năng của trí não là tư duy. Bàn về nhân phẩm con người - De hominis dignitate của Pico della Mirandola được mở đầu dựa trên nền bài hát ca ngợi sự vĩ đại của con người, mượn lời thần Hermes Trismegistre: “Đó là phép mầu vĩ đại, Ôi ! Asceplio, đấy chính là con người”. Theo ông, chính Đấng tạo hóa làm nên con người. Và ông diễn giải: “Chỗ đứng của ngươi, khuôn mặt và tư chất của ngươi, ngươi trông nom, chinh phục và sở hữu. Tự nhiên bao quanh bởi những loài khác và bởi luật lệ được ngươi lập ra. Nhưng chính người thì không bị giới hạn bởi một biên giới nào, giữa đôi bàn tay mà ta đã đặt ngươi ở đó, ngươi tự định đoạt chính ngươi…” . Và “Con người được ôm chặt và hội tụ trong mình tất cả bản tính của thế giới toàn năng”, “thế giới được đặt tên bởi nhà tiên tri Moise - con người vĩ đại. Vì nếu con người là một thế giới nhỏ bé, thì tương tự thế giới là một con người vĩ đại… Toàn thể thế gian đều chứa đựng trong con người”. Kế tục Aristote, các nhà nhân đạo chủ nghĩa thời Phục hưng phân biệt bốn mức độ sự thật trong thế gian: tự nhiên thô ráp, cây cối có một “linh hồn nuôi dưỡng, loài động vật có năng lực cảm giác, và cao hơn trên cả ba loại đó, chiếm lĩnh Tạo hóa, là linh hồn lý tính của con người” . Theo Bovillus, loài người chứa đựng trong bản thân nó bốn thang bậc của Tạo hóa. Ba giai đoạn tuổi của đời người phục tùng cùng một sơ đồ: Trẻ sơ sinh được nuôi dưỡng như cỏ cây, trẻ con phù hợp với sự sống loài vật. Chỉ những thực thể có lý tính mới “sánh được với Con Người, người đàn ông văn minh” . Trong suốt thời kỳ Trung cổ với sự thống trị của Nhà thờ, nhân phẩm được chuyển dời từ con người sang tín đồ Cơ đốc. Theo đó, vì tội lỗi của Con người đầu tiên, nhân phẩm chỉ dành cho tín đồ Cơ đốc, được cứu rỗi bởi sự hiến sinh của chúa Jesus, nhân phẩm đế vương (regia dignitas) của người Cơ đốc giáo giống nhân phẩm đế vương của Chúa Trời. Các tác giả Cơ đốc giáo thừa nhận loại tồn tại thứ ba, được phú cho trí thông minh, giữa Chúa trời và con người, công nhận ưu thế của con người so với các thiên thần, không chỉ vì Nhập thế mà vì không văn bản nào nói rằng thiên thần được tạo ra từ hình ảnh của Chúa . Nguồn gốc triết học của luận thuyết về quyền con người còn là sự khám phá giá giá trị cá nhân. René Descartes (1596 – 1650) có một vai trò cơ bản trong việc tìm kiếm chủ thể của cái Tôi (với luận đề nổi tiếng: Tôi tư duy, tôi tồn tại - Cogito, ergo sum), ý thức được tư duy của mình sẽ giúp con người tới sự tồn tại. Tuy nhiên, triết học của Descartes không được xem như một nguồn trực tiếp của việc bảo vệ quyền con người bởi vì ông là nạn nhân của hai sự phong tỏa: Thứ nhất, ông tán thành vô điều kiện giáo lý cơ bản của Nhà thờ công giáo, công nhận sự tồn tại của một đức Chúa đấng sáng tạo mà thực chất là tất cả tinh thần, sự phân biệt cứng nhắc giữa linh hồn và thể xác, được ông đánh giá là cần thiết cho niềm tin vào sự tồn tại cá nhân. Thứ hai, ông ủng hộ chủ nghĩa bảo hoàng và thù nghịch với mọi đánh giá hay chỉ trích các thể chế chính trị đương thời của nước Pháp. Quan niệm của Descartes đóng kín trong một vòng tư duy luẩn quẩn (con người là chủ thế muôn loài, bị chi phối bởi luật lệ Trời định thông qua nhà vua). Quan niệm này rõ ràng tồn tại những hạn chế, và sẽ được Hobbes và Spinoza phê phán sau này. 3. Tư tưởng về quyền con người thời kỳ Khai sáng Vào thế kỷ 17 với trào lưu triết học Ánh sáng, mà chúng ta vẫn quen gọi là kỷ Ánh sáng, tư tưởng tự do tôn giáo bùng nổ thành phong trào và là tiền đề dẫn tới việc thừa nhận các quyền cơ bản của cá nhân. Tư tưởng mang tính cách mạng về quyền con người bắt đầu từ Hobbes và tiếp tục được Spinoza phát triển, với sự thừa nhận các quyền cá nhân không thể tước bỏ Thomas Hobbes (1588-1679) đưa ra các kết luận thông qua việc quan sát cách thức con người cư xử với nhau. Tư tưởng chính trị của ông dự trên nền chủ nghĩa bi quan và sự cam chịu. Khẳng định sự cần thiết của nền quân chủ mạnh, Hobbes thừa nhận một số quyền cơ bản của các thần dân của đấng quân vương. Theo Hobbes, Nhà nước được tạo nên từ một khế ước mà thông qua việc kí kết con người quyết định thoát ra khỏi trạng thái tự nhiên; những người ký kết không thể từ bỏ các quyền cơ bản không thể chuyển nhượng: quyền được tồn tại, quyền chống lại trật tự có thể gây nguy hại cho họ, quyền được sống sót vốn bao gồm những gì cần thiết để sống tốt, quyền không buộc tội chính mình cũng như buộc tội người khác mà việc đó khiến chúng ta rơi vào cảnh nguy khốn . Nhà nước quân chủ theo Hobbes là dạng cai trị tốt nhất và không phải là một Nhà nước toàn trị . Chính Hobbes là người đề ra những tiền đề của Nhà nước tự do . Cuộc đấu tranh của “mọi người chống lại mọi người” (bellum omnium in omnes) vốn đặc trưng tình trạng tự nhiên tiếp tục trong trạng thái dân sự (trạng thái có tổ chức) bị chi phối bởi các giá trị của thị trường” . Chủ nghĩa tự do của Hobbes không bàn tới đề tài tôn giáo. Tuy nhiên nhận thức được vấn đề liên quan đến diễn giải Kinh thánh mang tính thời sự vào thời đó, Hobbes tỏ rõ sự tiếc nuối rõ ràng cho quyền uy Giáo hoàng. Tại một Châu Âu chia rẽ bởi các tín ngưỡng cạnh tranh đối nghịch nhau, thì nhà vua có thẩm quyền xử lý các tranh cãi tôn giáo. Theo Hobbes, “trong Nhà nước cơ đốc giáo, nhà vua là mục sư tối cao, và chính người chịu trách nhiệm về bầy tôi của người” . Vai trò đứng đầu của Nhà thờ Anh giáo được trao cho nữ hoàng Anh, trong tư tưởng chính trị pháp lý của Hobbes, ông kịch liệt lên án vô thần, và gộp niềm tin tôn giáo vào một hạt nhân cơ bản là niềm tin vào Chúa Jesus. Theo ông, niềm tin đó không phải là vấn đề khoa học hay tranh cãi mà là uy quyền . Spinoza (1632-1677) là con trai của thương nhân Do thái người Amsterdam (Hà Lan). Ông bị trục xuất bởi chính quyền thành phố quê hương vào ngày 27 tháng 7 năm 1656. Nguyên nhân của sự khai trừ còn gây tranh cãi: phải chăng ông đã đưa ra những quan điểm dị giáo dựa trên diễn dịch kinh thánh, hay ông bị chê trách vì các quan hệ hữu hảo với những người cơ đốc ly khai, nhất là các tín đồ dòng Men-nô. Spinoza chịu ảnh hưởng bởi thầy dạy tiếng Latin của mình, cựu thầy tu từ Flandre là Franciscus Afinius van den Enden, vốn là người có tư tưởng tự do, vô thần. Tác phẩm duy nhất của Spinoza được xuất bản lúc ông còn sống là Tractatus theologicopoliticus - Chuyên luận về thần học - chính trị (1670), còn “Đạo đức học” (Ethica, ordine geometrico demonstrata) và “Chuyên luận chính trị” (Tractatus politicus) chỉ được xuất bản sau khi ông qua đời. Trong tác phẩm “Đạo đức học” (Ethica, ordine geometrico demonstrata), Spinoza thiết lập nên một bản sắc giữa Chúa và tự nhiên (Deus sive natura), bao gồm mọi bản thể tồn tại. Chúa trời có hai thuộc tính: tư tưởng và tầm vóc. Cũng vậy, con người gồm tinh thần và thể xác, nhưng “nội dung của Tinh thần chính là Thể xác tồn tại và không gì khác” . Tinh thần không có bất kỳ sự tồn tại cá nhân nào, tinh thần tách rời thể xác, là thứ còn lại sau khi phá hủy thể xác và không phân biệt với Chúa trời . Như vậy, bản chất vô hình của Chúa Trời (thiên tính), sự phân biệt linh hồn-thể xác, sự bất tử của linh hồn với tư cách là thứ còn lại của cá nhân bị phủ nhận. Điều này trái ngược với các tiên đề cơ bản của thuyết Descartes cũng như giáo lý cơ đốc giáo. Việc xác định một chúa Trời hữu hình và tự nhiên cho thấy Spinoza là người theo chủ nghĩa duy vật, chủ trương thuyết phiếm thần , thậm chí là vô thần. Trong “Chuyên luận chính trị” (Tractatus politicus), Spinoza phân biệt quyền lực của “sức mạnh chủ quyền” điều chỉnh các hoạt động tín ngưỡng trong sự hòa hợp với sự thanh thản bên trong (chương XIX), “quyền tự nhiên” đối với tự do tư tưởng và tự do ngôn luận được đề cập trong chương tiếp theo. Theo đó, “thực tế, bất kỳ ai cũng được hưởng sự độc lập về mặt tư tưởng và đức tin, quyền cá nhân này không bao giờ bị tước bỏ trái với ý muốn của người đó” , và “không ai có thể làm mất đi tự do đánh giá và tự do suy nghĩ về vấn đề mà anh ta muốn và mọi cá nhân căn cứ vào quyền tự nhiên cao cả, là chủ nhân của suy nghĩ của mình” . Spinoza đồng thời trình bày sự phân biệt giữa tự do tư tưởng và tôn giáo, sức mạnh của uy quyền công, có thể hạn chế “quyền hành động” của mỗi thành viên của cộng đồng . Có thể nói Spinoza là cha đẻ của chủ nghĩa cá nhân hiện đại và việc thừa nhận các quyền cơ bản không thể tước bỏ. Điều này thể hiện rõ ràng qua quan niệm của Spinoza về tự do tôn giáo - vốn là vấn đề tranh cãi nhất lúc đương thời, và là quyền tự do căn bản của con người. Như vậy có thể nói tư tưởng của Spinoza vượt trước thời đại. John Locke (1632-1704) vào cuối đời đã công bố hai tác phẩm về lý thuyết chính trị: “Hai chuyên luận về Chính phủ dân sự” (Two Treatises on Civil Government, xuất bản lần đầu vào năm 1690). Chuyên khảo đầu tiên (An Essay concerning certain false prinicples) nhằm chống lại Patriarcha của Sir Robert Filmer (xuất bản lần đầu vào năm 1680). Cuốn sách thứ hai có tựa đề: An Essay concerning the true original extent of Civil Government. Tư tưởng của Locke chịu ảnh hưởng nhiều bởi Hobbes. Hai chuyên luận của ông được dịch ra tiếng Pháp vào năm 1691 tại Amsterdam và nó có ảnh hưởng lớn đến Voltaire và Montesquieu trong việc xây dựng hệ thống học thuyết của hai triết gia này. Lý tưởng của Locke là một nền quân chủ ôn hòa, được kiểm soát bởi dân chúng và đảm bảo quyền tự do cá nhân của công dân, đặc biệt là quyền sở hữu. Quyền sở hữu là đối tượng của một thứ quyền tự nhiên không cần thỏa thuận, quyền này tồn tại trước khi có khế ước xã hội và được bảo đảm để chống lại các can thiệp của quyền lực chính trị . Như vậy, học thuyết của Locke không thừa nhận truyền thống luật tự nhiên “cổ điển” của Thomas Aquinas. Và đây là điểm cho thấy tầm quan trọng của John Locke trong lịch sử quyền con người. Jean-Jacques Rousseau (1712-1778) là người tiên phong của triết học về quyền con người . Ông mượn một số ý tưởng của Hobbes để xây dựng ý thuyết về khế ước xã hội. Thông qua khái niệm về “trạng thái ban sơ” (état de nature), ông có một quan niệm hoàn toàn đối lập với triết học Anh: Con người sinh ra là tử tế và hòa bình, bản tính của con người thúc đẩy con người sống trong xã hội, và chính xã hội làm tha hóa con người . Quyền năng bao trùm mà Rousseau thừa nhận cho “ý chí chung” có điểm tương đồng với các biểu hiện của “sức mạnh chủ quyền” ở Hobbes và Spinoza. Được xem như học trò của Rousseau, Immanuel Kant (1724-1804) là nhà tư tưởng quan trọng nhất của triết học kỷ Ánh sáng. Ông thừa nhận sự tồn tại của Chúa và sự bất tử của linh hồn nhưng không thừa nhận mọi mưu toan chứng minh cho những gì ông tin chắc về sự thật căn bản của tinh thần. Về điểm này Kant gần với Decartes. Kant là một trong những người sáng lập quan trọng nhất của học thuyết triết học về các quyền cơ bản và ông đặt học thuyết này trong mối quan hệ với tính bất khả xâm phạm của nhân phẩm con người. Theo Kant, mệnh lệnh thực tiễn là những gì: “hành động tới mức anh đối xử với con người cũng như đối với bản thân anh và mọi cá nhân khác, luôn cùng lúc, giống như một mục tiêu chứ không bao giờ là một phương tiện” . Ý tưởng này sẽ được Kant nhắc lại một cách ngắn gọn trong tác phẩm “Phê phán lý tính thực tiễn” với tựa đề “luật cơ bản của lý tính thực tiễn” : “Hãy hành xử làm sao cho phương châm của ý chí anh có thể cùng lúc có giá trị như một nguyên tắc của luật pháp phổ biến” . Chúng ta có thể thấy sự giống nhau giữa của nguyên tắc vàng này với điều răn cơ bản của Chúa Jesus. Tuy nhiên, tác phẩm “Siêu hình của các phong tục và xung đột năng lực” thể hiện rõ nét hơn đóng góp của triết học Kant đối với triết lý về nhân phẩm con người. Sự tôn trọng (Achtung), mà chúng ta phải biểu hiện và chứng tỏ đối với người khác là nền tảng cho “phương châm về sự tiết chế, thông qua nhân phẩm tồn tại ở một người khác, là sự đánh giá của chính chúng ta về bản thân mình” . Kant đi xa hơn khi khẳng định phẩm cách và nhân phẩm con người: “Bản thân con người chính là nhân phẩm, thực tế con người không thể bị sử dụng bởi một ai đó đơn giản như một phương tiện, mà phải luôn được đối xử như một mục tiêu, và bằng cái đó mà tạo nên nhân phẩm của con người (nhân cách của người đó), nhờ đó con người vượt cao hơn tất cả các bản thể khác trên thế gian” . (“Và phẩm cách của anh là chính đáng (về nhân phẩm) « und darin besteht eben seine Würde (die Persönlichkeit)” . Kết luận Qua những phân tích trên, có thể khẳng định rằng tư tưởng, quan niệm triết học về quyền con người được ươm mầm từ thời Cổ đại, được nuôi dưỡng và bổ sung trong suốt chiều dài lịch sử và trở thành học thuyết vào thời kỳ Phục hưng và kỷ Ánh sáng. Tất cả tạo thành tiền đề và nền tảng dẫn đến việc thừa nhận các “quyền căn bản” bởi pháp luật thực định vào thế kỷ 17 thông qua Tuyên ngôn về các quyền của Anh 1688, thế kỷ 18 với Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ, Tuyên ngôn về nhân quyền và dân quyền của Pháp... và Emmamuel Kant là triết gia tiêu biểu nhất trong việc tạo lập nền tảng triết học về quyền con người. Ông tiếp nhận một phần di sản của truyền thống luật tự nhiên khách thể, phát triển thành học thuyết về quyền con người-nhân phẩm con người. Dĩ nhiên, Kant vẫn trung thành với những phân biệt đối xử phổ biến của thời đại ông như giữa đàn ông và phụ nữ, cũng như những cấm đoán tình dục mang tính truyền thống. Tuy nhiên, có thể kết luận rằng Kant là người thiết lập nên quan niệm về quyền con người với tư cách là một luận thuyết có hệ thống, triết học Kant là nền tảng lý luận vững chắc để bảo vệ quyền cá nhân và mối liện hệ của các quyền này với tính không thể xâm phạm của nhân phẩm con người. Như vậy, vào thế kỷ 17, luận thuyết về quyền tự nhiên có được diện mạo mới một cách triệt để với Hobbes và Spinoza. Trong khi từ thời Cổ đại và theo học thuyết được xác lập bởi Thomas Aquinas, vốn được nhiều người tán thành như Grotius và Pufendorf, quyền tự nhiên là hệ thống “quyền khách thể” vượt cao hơn luật thực định (tức các quyền được ban phát), Hobbes và Spinoza làm cho quyền tự nhiên ngả về phía các quyền chủ thể . Tồn tại một số quyền cá nhân không thể tước bỏ và có thể làm tan vỡ các thể chế của luật thực định. Như thế nền tảng triết học ban đầu của quyền con người đã được thiết lập. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Gabriel Albiac (1994), Les sources marranes du spinozisme, Nxb. PUF. 2. Charles Appuhn (1927), Spinoza, Paris, Nxb. André Delpeuch. 3. Denys De Bechillon, Retour sur la nature. Critique d’une idée classique du droit naturel, tap chi Images, 1993, tr. 563-587. 4. Lefort Claude (1984), Les droits de l’homme en question, tap chi Interdisciplinaire des sciences juridiques, số 13, 1984, tr.11-48. 5. Cassier Ernst (1966), La philosophie des Lumières, dịch từ tiếng Đức và giới thiệu bởi Pierre Quillet, Nxb. Fayard. 6. Bloch Ernst, Droit naturel et dignité humaine, bản dịch từ tiếng Đức của Denis Authier và Jean Lacoste, Paris, Nxb. Payot, 1976. 7. Kant, Nền tảng siêu hình của các tập quán (1785) bản tiếng Pháp, Tuyển tập các tác phẩm triết học, Nxb. de la Pleiade, tập 2, 1984. 8. Brunschvicg Léon (1951), Spinoza et ses contemporains, Nxb. PUF. 9. Israel Jonathan Ivrin (2005), Les Lumières radicales, La philosophie, Spinoza et la naissance de la modernité (1650-1750), bản dịch tiếng Pháp của Paulina Hugues, Charlottes Nordmann va Jerome Rosanvallon, Nxb. Amsterdam, Paris. 10. Suart Hampsphire (2005), Spinoza and Spinozm, Nxb. Clarendon Press, Oxford. 11. Emmanuel Kant, Nhân luân siêu hình học (Die Metaphysik der Sitten), I: Học thuyết toàn xưng về luật pháp, tập III, tr. 523-536. Emmnuel Kant toàn tập, tập III, Bản dịch tiếng Pháp, nxb. Pléiade, 1986. 12. JJ. Rousseau, Du contrat social, chương II, tập III, tr. 288. Bài viết về Abbe de St. Piere, tập III. 13. Delbos Victor (2005), Le spinozisme, Nxb. Vrin.

Thứ Hai, 9 tháng 4, 2012

néant

...Đôi khi ta phải nói chia tay với người ta yêu dù không muốn. Dù điều đó không có nghĩa là ta bớt yêu hay bớt quan tâm. Đôi khi chia tay là cách đau đớn nhất để nói rằng tôi yêu em...

Thứ Tư, 21 tháng 12, 2011

Như sự dịu dàng của em...

Jun là người nói nhiều: Với những vấn đề anh quan tâm anh có thể nói liên tục mấy tiếng không ngưng nghỉ, khổ cái anh quan tâm đến rất nhiều thứ, toàn những chuyện linh tinh.
Jun là một người thích kể chuyện cười, anh có thể kể vô vàn thứ chuyện cười trào phúng Đông Tây kim cổ, kể cả thứ trào lộng theo phong cách của tờ "Con vịt buộc" (canard enchainé)
Là người có vẻ ồn ào nhưng Jun lại thích chơi với những cô gái ít nói và có nét gì đó buồn bã.

Anh có những sở thích xem ra là kỳ quặc với một người Việt điển hình: anh thích làm mọi thứ một mình: Đọc sách, xem phim, đi du lịch, thể dục thể thao, đi dạo... Chỉ có một điểm bình thường là anh không thích ăn một mình. Anh không thích những chốn ồn ào ầm ĩ: mỗi lần anh theo bọn bạn đi bar về là anh sẽ ốm ít nhất một ngày, không phải vì uống nhiều mà vì anh dị ứng với thứ âm thanh chát chúa trong các quán bar sinh viên.

Quand j'étais avec elle, en se promenant ensemble on se bavardait de n'importe quoi. En fait, j'ai parlé beaucoup et elle était en silence la plupart de temps et se contentait de me regarder.
Elle me prêtait toujours une oreille attentive et m'affirmait:
"Je suis sûre que tu deviendras quelqu’un de magnifique, que tu auras un brillant avenir. Il y a quelque chose de si beau en toi". Elle était sincère. Et c'était la première fille à me faire un compliment de ce genre.

Enfin, j'aurai bientôt 30 ans sans devenir une personne spéciale, un vagabond sans l'avenir. J'ai fait mal des gens et en ce faisant je me fait mal aussi.

Thứ Tư, 14 tháng 12, 2011

Đêm...

Đêm khuy thanh vắng, cố mãi không ngủ được đành dậy lôi mực khô mang từ nhà ra nướng để uống với bia. Khổ nỗi nhà cồn không có, lò vi sóng cũng không thôi đành thử nướng bằng bếp điện. Lần đầu tiên nướng mực bằng bếp điện may mắn là thành công. Chút hương vị quê nhà giữa đêm sâu ở một nơi xa xôi với nhiều người nhưng đã nên thân thuộc với mình lâu nay.
Cuộc sống buồn tẻ, cô đơn nhưng dường như nó trở thành một phần máu thịt của mình. Bao giờ cho hết những ngày nhạt nhẽo này đây?
Mình chỉ thích uống rượu một mình, đi dạo một mình, đi ăn một mình và thậm chí đi xem phim cũng chủ yếu một mình...Một so' người bảo mình dở hơi lập dị, ngoài kia cuộc sống với bao nhiệt tình hăm hở đang chờ đón hãy tận hưởng đi chứ.

Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2011

petits mots...

A côté de mes proches trois semaines de vacances au Vietnam se sont passées si vite!
ça fait si longtemps je n'écris aucun mot, alors qu'il y a plein de chose qui s'emprisonne au fond moi.
Je me sens vide!


Y'a pas d'amour sans patiente
Histoire sans y croire
D'un amour sans le vouloir

Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2011

ça me faut pleurer quand je pense à toi!

ça me fait pleure quand je pense à toi!