Thứ Sáu, 24 tháng 10, 2008

Cần phát triển mô hình đô thị vệ tinh

Bài này viết cho báo Tuổi trẻ TP HCM nhân dự án mở rộng thủ đô Hà Nội. Tháng 4 năm 2008.
Bài trên Tuổi trẻ

Hiện nay trên thế giới có hai cách thức mở rộng địa giới thủ đô phổ biến. Đó là sáp nhập các đơn vị lãnh thổ liền kề vào địa giới thủ đô, hoặc tạo điều kiện để phát triển các đô thị vệ tinh xoay quanh thủ đô.

Ngoài ra một số quốc gia xây dựng thủ đô mới để tránh tập trung quá nhiều quyền lực (về kinh tế, chính trị) trong một thành phố duy nhất và khuyến khích sự dàn trải dân cư hợp lý hơn trên lãnh thổ quốc gia.

Cách thức mở rộng thủ đô theo chiều rộng một cách cơ học là cách làm cũ vốn phổ biến vào cuối thế kỷ 19, thời kỳ bùng nổ cách mạng công nghiệp và người ta chạy theo số lượng hơn là chất lượng. Mở rộng thủ đô theo cách này đã gây ra không ít hệ lụy cho tới tận ngày nay. Vì vậy, đề án mở rộng Hà Nội bằng cách sáp nhập toàn bộ tỉnh Hà Tây nếu được thông qua sẽ đi vào vết xe đổ này.

Mục tiêu của qui hoạch đô thị nói chung và chỉnh trang hay qui hoạch thủ đô nói riêng là tiến tới sự phát triển hài hòa và bền vững, tiến tới xóa bỏ sự chênh lệnh về phát triển ngay trong đô thị đó. Việc mở rộng Hà Nội bằng cách sáp nhập toàn bộ Hà Tây với hi vọng "to sẽ mạnh" là một tư duy cũ, trong khi chính tại Hà Nội có những huyện ngoại thành còn kém phát triển so với mức trung bình của các đô thị ở địa phương khác (như Sóc Sơn, Đông Anh).

Xu thế hiện nay trên thế giới các quốc gia thường xây dựng các thành phố mới nhằm giảm tải cho thủ đô đông đúc, qui hoạch kém. Ví dụ ngay từ những năm sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Chính phủ Anh đã cho xây dựng các new town (thuật ngữ new town xuất hiện ở Anh để chỉ mô thức phát triển đô thị vệ tinh ở Anh từ sau Thế chiến thứ hai) gồm Crawley và Milton Keynes ở ngoại vi London. Tại Pháp, để giảm gánh nặng tập trung cho thủ đô Paris, người ta cho xây dựng thêm năm đô thị vệ tinh ở vùng phụ cận. Trong đó, Marne -la-Vallé trở thành trung tâm mới của thủ đô Paris và vùng lân cận về kinh tế, thương mại và khoa học kỹ nghệ.

Hà Nội từ khá lâu đã có dự án xây dựng một khu đô thị về giáo dục và công nghệ tại Hòa Lạc, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. Tôi cho rằng thực hiện dự án này là cách làm đúng với xu thế chung của qui hoạch đô thị hiện đại. Cụ thể dự án này không những tạo nên một thành phố mới hiện đại, tiện nghi, góp phần giảm bớt sự chênh lệch về phát triển giữa Hà Nội và một vùng rộng lớn thuộc Hà Tây cách không xa Hà Nội, mà còn giúp giảm tải cho Hà Nội.

Theo tôi, phát triển mô hình đô thị vệ tinh ở vùng ngoại vi là cách làm phù hợp trong chiến lược xây dựng một thủ đô Hà Nội phát triển bền vững, thay vì việc sáp nhập một cách cơ học các địa phương lân cận vào địa giới Hà Nội.

N.Q

“Sống chung” với đô thị hóa

Bài này viết theo đề nghị của một chị bạn là nhà báo làm cho tờ tạp chí hàng tuần của Bộ Ngoại Giao, đăng tháng 4 năm 2008
Bài trên Thế giới và Việt Nam

http://www.tgvn.com.vn/Story/vn/home/thoisu/2008/4/1129.html
Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, hơn một nửa dân số thế giới sống trong các thành phố. Đô thị hóa là một quá trình không thể đảo ngược của lịch sử và đòi hỏi chúng ta phải có chiến lược xây dựng và phát triển đúng đắn, thậm chí dũng cảm, để tận dụng những cơ hội cũng như đối phó những nguy cơ ó mang lại.

Vào năm 1900, toàn thế giới chỉ có 10% dân số sống ở đô thị. Đến năm 1950, con số này là gần 30%. Vào 2007, theo thống kê của LHQ, với chừng 3,3 tỷ người trong tổng số hơn 5,4 tỷ người, số người sống ở đô thị đã vượt ở nông thôn. Xu thế này sẽ còn gia tăng trong những năm tới, đặc biệt là tại châu Phi và châu Á, hai khu vực mà dự kiến vào năm 2030 sẽ tập trung đa số các đô thị lớn của thế giới. Lúc đó, số người sống ở thành thị sẽ lên tới 5 tỉ người, chiếm 60% dân số toàn cầu.

Hiện nay, những khu vực phát triển nhất là những nơi có tỉ lệ đô thị hoá cao nhất: Châu Âu, Bắc Mỹ chiếm vị trí hàng đầu với ¾ dân số sống ở thành thị. Điều đặc biệt là châu Mỹ La tinh dù chưa phát triển nhưng lại có mật độ đô thị hoá rất cao, với 78% dân số sống ở đô thị.

“Đô thị hóa khuyếch tán” ở nước giàu

Trong khi ở các nước phát triển phía Nam bán cầu, dân nhập cư nghèo từ nông thôn vào thành thị thì dân thành thị ở các nước giàu lại có xu hướng sống ở ngoại vi, hoặc ít ra thì mua nhà nghỉ ở nông thôn. Hiện tượng này gọi là “đô thị hoá khuếch tán” (urbanization diffuse) này tỏ ra là mô hình còn tiêu thụ và ngốn nhiều nguồn lực tự nhiên hơn cả ở các đô thị chật ních người.

Tại một hội thảo quốc tế về di trú tại Philadelphia tháng 10/2000, trong báo cáo về xu thế đô thị hóa ở Hoa Kỳ, nhà địa lý học Brian J.L.Bery đã đưa ra khái niệm mới: e-urbanization. Theo đó, cuộc cách mạng trong công nghệ thông tin và sự phát triển của Internet cho phép người ta sống gần hơn với thiên nhiên, điều khiển tất cả mọi thứ từ nhà riêng, không cần tới công sở làm việc hay đi mua sắm tại các siêu thị trong thành phố đông đúc.

Theo Bery, trong thời kì đầu của quá trình công nghiệp hoá, sự bùng nổ công nghiệp nặng đòi hỏi sự tích tụ dân cư vào các đô thị lớn. Tuy nhiên, quá trình phổ biến xe hơi cá nhân bắt đầu làm tan rã các trung tâm đô thị và phân bố lại dân cư, điều này phát triển các hình thức tương tác cá nhân hơn và cũng thúc đẩy những mối liên kết, tương tác từ xa.

Nhà quy hoạch Melvin Webber lý luận: Khái niệm đô thị lâu nay, phân biệt địa giới hành chính với nông thôn, đã nhường chỗ cho cái mà ông gọi là «miền đô thị» (urban domain), tức là sự dàn trải không gian đô thị trên một lãnh thổ rộng lớn hơn trước, không bị bó buộc bởi địa giới hành chính truyền thống. Hình thức đô thị hoá này không phải là sự gia tăng nhanh chóng ở các thành phố khổng lồ mà chúng ta đang chứng kiến ở các nước nghèo. Trong đô thị «khuếch tán», dân cư về mặt xã hội học là dân thành thị chứ không phải là nông dân, nhưng họ lại thích sống ở nông thôn. Chính vì thế, họ đổ về nông thôn hoặc kiếm nhà nghỉ ở nông thôn để thi thoảng về ở. Trái lại, ở các nước nghèo, người ta từ nông thôn kiếm tìm đô thị.

“Nông thôn hoá” đô thị ở nước nghèo

Gia tăng dân số chủ yếu diễn ra tại đô thị ở các nước đang phát triển. Tuy nhiên, dân cư đô thị ở các quốc gia này phải đối mặt với các vấn đề cấp bách như đói nghèo, thiếu nước sạch hay sự phát triển không kiểm soát được các khu ổ chuột. Chính quyền cố gắng để đáp ứng các nhu cầu hiện tại nhưng lại không có phương tiện cần thiết để đối phó trước những tác động của việc gia tăng với tốc độ như thế. Kinh nghiệm cho thấy rằng bất chấp hoàn cảnh khó khăn mà họ đối mặt như thế nào chăng nữa tại đô thị thì những người cư dân mới này cũng sẽ không ra đi.

Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu đô thị hoá có là một lực cản cho quá trình phát triển? Một thực tế dễ nhận thấy là tại các nước đang phát triển, quá trình phát triển và mở rộng ồ ạt ở các đô thị gắn với sự gia tăng ô nhiễm môi trường hay các khu dân cư ổ chuột. Điều này có vẻ như là mâu thuẫn giữa quá trình đô thị hóa và phát triển. Tuy nhiên một số nhà nghiên cứu khẳng định rằng các khu dân cư ổ chuột này có thể xem như là «phố trong thành phố» sẽ dần được cấu trúc lại với sự đa dạng hoá hoạt động kinh tế.

Có một nghịch lý tại các nước châu Phi: Các thành phố được mở rộng cùng lúc với việc “nông thôn hóa” chính nó là do chất lượng cuộc sống giảm. Một bộ phận lớn dân cư đô thị có chất lượng cuộc sống không khác gì dân cư ở nông thôn và đặc biệt là họ vẫn làm các công việc liên quan đến nông nghiệp.

Những đô thị khổng lồ vẫn xuất hiện ngày càng nhiều ở châu Mỹ Latinh, châu Á. Do các quốc gia đã để quá trình đô thị hóa diễn ra tự phát mà không có chiến lược quy hoạch phù hợp, dẫn đến các thành phố đã phình ra quá cỡ trong khi kết cấu hạ tầng yếu kém không thể đáp ứng được những nhu cầu tối thiểu của cư dân đô thị. Những vấn đề mà các quốc gia này đang phải đối mặt là dân số tập trung quá lớn vào một vài đô thị, gây áp lực về việc làm và nghèo đói, nhà ở, cơ sở hạ tầng và dịch vụ, giao thông...

Không thể đảo ngược

Tuy vậy, những khó khăn và bất cập này không thể đảo ngược được xu thế đô thị hoá hiện nay. Thời gian tới, thế giới vẫn không ngừng đô thị hóa.

Trong quá khứ, các đô thị thường đối phó bằng cách cố gắng hạn chế việc di cư từ nông thôn vào thành thị. Các đô thị bỏ rơi người nghèo hoặc đơn giản là chối bỏ sự có mặt của họ, hàng triệu dân cư đô thị hiện nay đang phải sống không nước sạch, điện, không có cơ hội tiếp cận với giáo dục và y tế.

Người ta thường quy những khó khăn và thách thức tại các đô thị cho hiện tượng nhập cư. Điều này là một nhầm lẫn, bởi ba lý do. Thứ nhất, việc gia tăng dân số tại đô thị không chỉ do làn sóng người nhập cư mà còn do gia tăng dân số tự nhiên. Thứ hai, không phải làn sóng di cư là nhân tố của đô thị hóa mà ngược lại chính các đô thị thu hút dòng người di chuyển tới những nơi mà họ có thể có chất lượng cuộc sống tốt nhất. Thứ ba, căn bản nhất, việc di cư nếu được quản lý tốt sẽ là nhân tố tích cực cho sự phát triển của đô thị cũng như nông thôn.

Không có quốc gia công nghiệp hóa nào phát triển mà không trải qua việc chuyển đổi mạnh mẽ về kinh tế và xã hội, gia tăng việc phân công lao động và mở cửa với thế giới. Phần lớn người nghèo ở đô thị sống nhờ các ngành kinh tế nhỏ lẻ và không chính thức. Nhưng tầng lớp dân cư đô thị mới này cũng tạo ra động lực tăng trưởng đáng kể. Như vậy, cần ghi nhận rằng chính đô thị hoá tích tụ đói nghèo, chứ không phải là nguyên nhân gây ra đói nghèo.

Đô thị hoá có thể là cơ hội cho nông thôn, nếu đặt nông thôn ở vị trí hỗ trợ cho đô thị. Vậy nên, đối lập nông thôn với đô thị là không nên. Hơn nữa, nếu các đô thị gò bó bởi các vấn đề môi trường, thì các đô thị này có thể đồng thời góp sức vào việc giải quyết và quản lý một cách hợp lý hơn các thách thức đó nếu có chính sách hiệu quả.

Câu trả lời phù hợp

Sự gia tăng đô thị mà chúng ta đã chứng kiến trong những thập kỷ qua là chưa từng có trong lịch sử nhân loại, tạo ra những nguy cơ và cơ hội cho phát triển. Nó đòi hỏi một câu trả lời phù hợp với thách thức. Điều này trước tiên phải thể hiện ở việc thừa nhận tính tất yếu của hiện tượng đô thị hoá và những lợi ích nó mang lại, cũng như thừa nhận quyền của người nghèo được hưởng những khả năng mà cuộc sống đô thị mang lại.

Nếu lớp dân cư nghèo nhất là những người mang lại sự năng động không thể nghi ngờ và những giải pháp đột phá để đáp ứng nhu cầu của cộng đồng cư dân này, giấc mơ “thành thị” được nuôi dưỡng bởi biết bao con người không thể thực hiện nếu thiếu vắng sự giúp đỡ từ bên ngoài.

Các đô thị nhất thiết phải đảm đương được việc cung cấp cho dân cư những dịch vụ cần thiết để đáp ứng những nhu cầu căn bản nhất. Trước tiên là nhà ở. Việc tiếp cận với nhà ở đối với người nghèo là nhân tố căn bản cho cuộc sống tự chủ của họ. Ngoài ra, cần dịch vụ y tế và giáo dục, trong đó sức khỏe sinh sản và tái sản xuất là yếu tố hàng đầu. Thực tế chứng minh rằng phụ nữ được giáo dục tốt, có cơ hội tiếp cận với dịch vụ sức khỏe căn bản thường chọn sinh con ít. Việc tập trung dân cư sẽ thúc đẩy sự tiếp cận của họ với các dịch vụ đó.

Sự chú ý và quan tâm tới nay tập trung chủ yếu vào các siêu đô thị, trong khi hơn một nửa dân cư đô thị trên thế giới sống trong các thành phố dưới 500.000 dân vốn hết sức thiếu các điều kiện căn bản. Không được đặt các đô thị nhỏ này bên lề của sự phát triển.

Ngoài ra, trên quy mô toàn cầu, chính trong những khu phố ổ chuột là nơi tiến hành cuộc đấu tranh để thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỉ, đặc biệt là mục tiêu giảm một nửa số người rất nghèo từ nay đến năm 2015.

Bằng một cái nhìn dài hạn, một kế hoạch chiến lược và sự lãnh đạo kiên quyết có thể quyết định lối ra cho cuộc chiến đấu này. Những cũng cần có những cố gắng ở tầm quốc tế để giúp đỡ những nỗ lực ở tầm quốc gia, vì sức mạnh của nền kinh tế thị trường không cho phép mỗi quốc gia tự giải quyết những vấn đề liên quan đến nhu cầu của những cư dân nghèo nhất ở đô thị.

Trong tương lai, dù muốn hay không chúng ta sẽ bị đô thị hoá. Điều cần thiết là các chính phủ phải vạch ra được chính sách phát triển đô thị và thừa nhận chỗ đứng của chính sách này trong hệ thống chính sách công quyền nhằm thu hút một phần tiềm lực phát triển của nó và giảm thiểu đói nghèo trong khu vực đô thị cũng như nông thôn.

Thay vì bi kịch hoá hiện tượng di cư vào thành phố, cần phải làm cho nó trở thành một nhân tố của phát triển.