Chủ Nhật, 23 tháng 11, 2008

Vớ vẩn tí...

Năm nay thời tiết thay đổi kì lạ. Mới cuối tháng 11 nhưng một số vùng ở Pháp đã có tuyết rơi, từ Ba Lê kinh kì cho tới vùng biên giới giáp Đức và Bỉ. Sáng vừa cố mãi mới bò ra được khỏi đống chăn thì có người gọi điện khỏe là chỗ bạn ở tuyết đang rơi rất dày.

Một ngày cuối tuần nhàm chán bắt đầu như vậy đó. Bạn kia gọi điện kể chuyện tuyết rơi thì mới nhớ là mình vẫn còn dùng điện thoại chứ không thì cũng chẳng biết dùng nó vào việc gì cả, xem giờ thì đã có đồng hồ rồi. Tháng nào cũng thừa một cơ số forfait chẳng biết dùng làm gì đành gọi điện về Việt Nam cho đỡ phí. Già rồi nên cũng chán luôn nói chuyện ê a qua điện thoại, không hẳn là sợ mất thời gian mà cái chính là chẳng biết nói gì cả. Thời gian trôi chậm nhất là vào những ngày cuối tuần là vậy!

Ai từng sống hay học ở chốn này mới hiểu là cuối tuần với bọn sinh viên nó nhàm chán thế nào. Thành phố vắng vẻ đìu hiu dù Toulouse là trung tâm công nghệ hàng không của cả Âu châu. Bình thường đã vắng và trời lạnh thì càng vắng vẻ hơn. Bọn sinh viên thì cũng chẳng có việc gì mà làm vì thư viện đóng cửa nghỉ hết (mà mình cũng không chăm lên thư viên trừ khi mượn sách), các cửa hàng cửa hiệu cũng nghỉ. Đời sống kiểu Pháp ấy mà, làm hết sức trong tuần và nghỉ ngơi hết mình vào cuối tuần và dịp lễ. Ngày trước còn thuê nhà ở chung nên cuối tuần cũng vui, cùng nhau xem phim hay tổ chức nấu ăn nhậu nhẹt. Có lẽ hồi đó còn trẻ nữa nên cũng thích thế, chứ bây giờ nghĩ đến cảnh ăn uống rượu bia xong rồi các bạn kia hát karaoke ầm ĩ là thấy sợ. Vốn thích yên tĩnh thanh bình nên trò hát hò hay đi disco thấy thật là chán, mặc dù thi thoảng cũng vẫn đi cho có không khí.

Tuần trước tình cờ đi ngoài đường gặp lại bạn gái cũ. Chẳng biết nói gì cả đành giơ tay vẫy vẫy chào. Hay thật, từng gần gũi gắn bó là thế mà giờ gặp nhau còn thấy lạ hơn cả người gặp lần đầu. Mà chia tay cũng có gì mâu thuẫn đâu, chỉ là không hợp nhau về suy nghĩ và lối sống, điều khiến hai người dần dần xa nhau chứ cũng chẳng hề cãi vã to tiếng gì. Mà nhiều người vẫn thi thoảng hỏi là không thể hiểu tại sao hai đứa các cậu có thể đi bên nhau chừng ấy thời gian. Không hè có ý định phủ nhận những chuyện đã qua nhưng mà quả thật là cũng có mấy khi đi bên nhau đâu. Có bạn gái mà cứ thích đi xem phim một mình, đi chơi một mình và mua bia rượu về uống một mình thì sớm muộn rồi cũng hết chuyện mà nói thôi.
Không hiểu tại làm sao mà với em mình ít có mong muốn chia sẽ cuộc sống riêng hay việc học hành, tương lai của bản thân mặc dù vẫn luôn thương mến và muốn quan tâm, đến tận bây giờ vẫn muốn như thế. Có lẽ là lối sống có quá nhiều khác biệt, suy nghĩ xa cách ngay cả trong những việc nhỏ nhặt nhất, dù có tự an ủi là cố gắng tìm điểm chung để cùng tiến lên phía trước, nhưng kiểu đàn ông cứng đầu cứng cổ và hay bất cần như mình đây thì chuyện đó là không tưởng.

Tìm một người biết lắng nghe một thằng nhiều lúc đi cạnh cả buổi không thèm nói lấy một câu và chỉ tủm tỉm cười nhưng nhiều khi lại như bị lên đồng nói đủ thứ chuyện chẳng ăn nhập gì với nhau từ chuyện bà gì bà cô ở quê mới xây ngôi nhà cho tới chuyện triết lý cao siêu, máy bay tên lửa...quả là khó vô cùng. Thế nên giữa cuộc sống nhiều đổi thay và như ai đó nói "chẳng có điều gì là vĩnh viễn, trái tim rồi cũng sẽ phải đổi thay" thì thi thoảng vẫn cứ nhớ một người xa lắc lơ nào đó, người con gái lúc nào cũng bận rộn với cuốn sổ lịch kín mín những planing mà vẫn sẵn lòng bỏ ra cả buổi để ngồi ngồi cùng trên một cái ghế đá bé tẹo cạnh bờ sông để nghe một thằng dở hơi kể những chuyện chẳng ăn nhập gì cả...Cứ nghĩ là dùng một cái máy ghi âm digital rồi ghi lại cả buổi ngồi lảm nhảm kia rồi bắt chính mình nghe lại thì mới thấy kinh khủng.

Quả là dở hơi nếu so sánh người này với người kia.Suy cho cùng mỗi người mà ta biết và quen đều mang đến một thứ tình cảm hay cảm xúc nào đó, không nhất thiết cứ phải là như nhau. Nói là thế nhưng mà tự thân mỗi sự nhìn nhận đã là một sự so sánh rồi.

Ngày hôm kia dọn dẹp giấy tờ lôi ra biết bao là thư từ và thiệp. Gọi là tình thư cũng được, vì là thư của "người yêu" viết cho mà. Đọc lại thấy hay thật, công nhận là viết đẹp và chắc là cũng chân thành nữa, thứ văn chương trau chuốt mà kiểu người cục mịch khô khốc như mình không bao giờ có thể viết nổi một dòng như thế. Cũng không nhớ là hồi xưa đọc những lá thư đó mình có cảm động không, chắc là phải có chứ! Đọc thư của người yêu cơ mà.

Lẫn trong đám thư từ kia cũng có một bức thư khác, không phải bằng tiếng Việt mà bằng tiếng Pháp, thứ tiếng Pháp thô mộc đơn giản và có cả vài lỗi chính tả nữa. Thư này tất nhiên là chẳng thể nào nói là hay ho về câu cú hay ý tứ được. Đại khái thế này "Bạn đừng băn khoăn hỏi là mình gần như không bao giờ nói lên tình cảm của mình đối với bạn, cả cái mối quan hệ mà ta vẫn gọi là tình yêu. Không phải bởi vì tớ không biết nói, thật là dễ dàng nói lên mấy từ đó! Bạn cũng biết là tớ thích những điều nhẹ nhàng không ồn ào cũng như bạn, cũng vì thế mà tớ muốn là tự bản cảm nhận được tình cảm của tớ chứ không cần phải do chính tớ phải nói ra bằng mấy câu quá ư là dễ dàng. Và tớ cũng muốn làm nhiều điều cho bạn hiểu được tình cảm của tớ hướng về bạn thay vì nói lên thành lời.
Bạn có nhớ không, có một lần trời lạnh và thay vì hỏi "có lạnh không" thì bạn nhường cho tớ khăn của bạn. Đó là cách thể hiện tình cảm mà tớ mong muốn nhất...


Viết mấy dòng này gọi là nhật ký cuối tuần cũng được! Thế là qua 2 ngày week end nhàm chán và vô vị. Chờ tuần mới đến với nhiều việc phải làm.

Thứ Bảy, 22 tháng 11, 2008

November Rain

Một buổi chiều muộn rãnh rỗi, khoác vội bộ quần áo thể thao cùng đôi dày cũ kĩ cắm máy nghe nhạc vào tai chạy một vòng dọc bờ kênh Midi xa về phía kí túc xá Chapou.
Trời tuy đầu đông nhưng vào chiều muộn nên lạnh hơn hẳn. Không khí như đông đặc lại cùng không gian vắng vẻ dọc 2 bờ kênh. Dạo này sức khỏe hình như khá hơn nên chạy tầm 2km mà không hề thấy mệt. Cũng tốt lắm.
Gặp anh B, thế là vào nhà anh ăn cơm tối luôn. Công nhận là có gia đình vợ con rồi đi học quả là vất vả và nhiều đắn đo. Chứ như mình đây thì cuộc đời êm đềm nhẹ nhàng trôi.
Cuối buổi về thì gặp phải mưa phùn, đi được nửa đường thì trời đổ mưa zông, mưa như trút, kiểu mưa rất hiếm gặp ở đây. Mưa ầm ầm xối xả lên vỉa hè lát đá vốn được trải vàng mượt của cơ man nào lá của một mùa thu vừa mới đi qua. Mặc đồ thể thao mỏng lại đi giầy vải nên ướt như chuột, nước mưa làm mờ cả mắt kính. Lạnh kinh khủng, lạnh còn hơn cả những lần đi học về gặp tuyết rơi những năm trước.

Vậy đó, mưa tháng 11, november rain...


Cause nothin' lasts forever
And we both know hearts can change

Bởi chẳng có gì là vĩnh cửu.
Và trái tim rồi cũng phải đổi thay.

Thứ Tư, 19 tháng 11, 2008

Quan niệm của người Pháp về Nhà nước pháp quyền.

Quan niệm của người Pháp về Nhà nước pháp quyền.

Học thuyết Rechtsstaat của người Đức chỉ bắt đầu được biết đến tại Pháp vào đầu thế kỉ 20 : Một số tên tuổi lớn của trường phái chính luận Pháp khá gần gũi với tư tưởng của người Đức- Léon Duguit ngay từ 1901 (Nhà nước, pháp luật khách thể và luật thực định), Maurice Hariou vào năm 1903 (Giản lược về luật hành chính và luật công, in lần thứ 5), Léon Michoud vào năm 1906 (Lý thuyết về tư cách pháp nhân và sự áp dụng nó trong luật công Pháp)- dù còn có những ám chỉ và tranh cãi, nhưng thuật ngữ Nhà nước pháp quyền (Etat de droit) vốn được dịch nguyên nghĩa của từ Rechtsstaat thời kì đầu có vẻ như là có mối liên hệ không chối cãi với tư duy pháp lý của người Đức.

Tuy nhiên, quá trình địa phương hóa quan niệm của người Đức diễn ra nhanh chóng ngay sau đó : Ngay từ năm 1907 (Giáo trình luật Hiến pháp), Duguit đã không ngần ngại sử dụng thuật ngữ trên, tiếp sau đó là Hauriou vào năm 1910 vào năm 1910 (Các nguyên tắc của luật công, xuất bản lần 1) cuối cùng là Raymond Carrré de Malberg với việc xuất bản cuốn « Đóng góp vào lý luận chung về Nhà nước »(1920-1922). Sự phổ biến của quan niệm này giải thích rằng đã tồn tại sự đối thoại giữa các nhà luật học Pháp và Đức, sự trao đổi này diễn ra đặc biệt mạnh mẽ trong giai đoạn 1870-1918. Sự đối thoại này không phải chỉ diễn ra một chiều mà thực tế nó có hai mặt : Trong khi « học thuyết pháp lý của người Pháp mang đến cho các nhà luật học người Đức một kết cấu vững chắc về chủ nghĩa tự do trong lĩnh vực pháp lý được khởi nguồn từ cách mạng 1789 » thì « học thuyết pháp lý của người Đức mang đến cho người Pháp mô hình lý thuyết về Nhà nước pháp quyền » (O.Beaud, P Wachsman, 1997) Tại Pháp sức hấp dẫn của tư duy pháp lý của người Đức được lý giải bởi việc hình thành một tầng lớp ưu tú ở tầng cao nhất của chế độ Đức vào thời kỳ này, vượt lên trên tín ngưỡng sau thất bại của cách mạng 1870 (dẫn tới sự hình thành trường phái tự do về các khoa học chính trị vào năm 1871), bởi việc có vẻ như nước Đức cho phép tạo ra sự độc lập trong khoa học pháp lý.

Một phần các nhà luật học Pháp tiếp nhận từ « Nhà nước pháp quyền » (Etat de droit), điều đó không có nghĩa là họ chấp nhận cho từ này một nội dung tương tự với nó vốn có tại Đức, phiên bản Rechtsstaat mà các nhà luật học Pháp biết tới và trở nên chiếm ưu thế, là thứ Rechtsstaat mang nhãn hiệu của các luật gia của Đế chế và « Liên minh thần thánh » mà các nhà luật học Pháp tham gia từ năm 1914 đến 1918, dẫn tới các luật gia này có khoảng cách so với học thuyết của người Đức. Trường hợp của Carrré de Malberg là một ví dụ rõ nhất : Nếu ông chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi tư duy pháp lý của người Đức và nhất là ảnh hưởng của Laband, người ông đã thay thế chức giáo sư luật công của khoa luật Strasbourg, thì Malberg cũng là minh chứng của một tinh thần ái quốc không khoan nhượng khi ông chối bỏ sự du nhập vô điều kiện thứ giáo lý của Rechsstaat, ông không thừa nhận một bộ phận không nhỏ các yếu tố của học thuyết này vốn tỏ ra cho ông là hoặc còn phải tranh cãi, hoặc là không phù hợp với tư duy pháp lý của người Pháp, ông tự mình xây dưng nên lý thuyết riêng về Nhà nước pháp quyền vốn được ông đối chiếu với luật thực định.

Như vậy, lý thuyết Nhà nước pháp quyền khi du nhập vào nước Pháp được kết hợp với truyền thống chính trị va thể chế đặc thù của Pháp thừa hưởng từ thời Cách mạng, so với đó quy chế của nó nhập nhằng : vừa cho phép làm tăng giá trị của lý thuyết này, đồng thời truyền thống đó cũng góp phần phát triển thêm lý thuyết thông qua việc mang tới những luận chứng mới nhằm phê bình các thể chế của nền cộng hòa thứ 3.

Chủ Nhật, 16 tháng 11, 2008

Tính tự hạन chế (P2)

Một mặt, khi từ bỏ quan niệm mang tính di sản (fiscus) cho tới quan niệm nổi trội, học thuyết pháp lý Đức nhìn nhận Nhà nước như một chủ thế pháp lý độc lập, tách bạch với nhà cầm quyền cũng như Quốc gia : Trong khi vào năm 1852 Gerber còn không thừa nhận ý tưởng về tư cách pháp lý của Nhà nước, năm 1865 ông mới đặt nền tảng cơ bản cho hệ thống của mình, như O. Von Gierke (1874) nhấn mạnh : Nhà nước phải được xem như một thực thể pháp lý hoàn toàn khác biệt với Quốc gia, giống như một cá nhân, nó cô đặc lại và có được nền tảng chính trong Quốc gia.Lý thuyết này hoàn toàn ngược lạ với học thuyết của người Pháp vốn xem Nhà nước không gì khác hơn là sự sụ thể hóa về mặt pháp lý của Quốc gia. Cho phép nhìn nhận nhà nước trong sự toàn vẹn và liên tục của nó, cách nhìn này được xem như là « điều kiện tiên quyết cho tất cả cấu trúc của luật công » (Gerber) và cần thiết để thiết lập nên sự độc lập của nó (Isolierung)

Mặt khác, Nhà nước trang bị quyền lực chiếm ưu thế (Herrschaft), thứ pháp luật chủ thể thực sự vốn là của riêng nhà nước và mang dấu hiệu phân biệt : Nhà nước là chủ thể duy nhất nắm giữ quyền cưỡng chế, có nghĩa là là quyền được đưa ra các mệnh lệnh để áp đặt một cách không thể chống lại « quyền lực Nhà nước là thứ uy quyền mà người ta không thể chống lại. Cai trị có nghĩ là chỉ huy không điều kiện và có khả năng ép buộc thực hiện các mệnh lệnh bằng biện pháp cưỡng chế » (Jellinek). Hệ quả logic của cách thức xây dựng này là Nhà nước hiện ra như là nguồn duy nhất của luật pháp »(Ihering) : Chỉ duy nhất Nhà nước có thể tạo cho pháp luật sức mạnh cưỡng chế, như vậy có nghĩa là không tồn tại thứ pháp luật có trước và đứng cao hơn Nhà nước ». Dĩ nhiên, ý tưởng về mối liên hệ hữu cơ giữa pháp luật và Nhà nước không phải được đặt ra ngay lập tức vì những gì do lịch sử có thể hiểu được. : Ví dụ, ta có thể tìm thầy ở Savigny cách nhìn hoàn toàn khác về thứ pháp luật dựa trên tập quán, thứ tập quán vốn có gốc rễ từ « đời sống dân cư » (Volksgeist)- Nhà nước chỉ là một hiện tượng « đơn giản » tạo chất liệu cho sự thống nhất quốc gia, và chính Ihering gắn bó một phần với cách nhìn này. Nhưng kể từ khi thực hiện sự thống nhất nước Đức, học thuyết mới được khẳng định với sự bảo đảm của ba học giả tên tuổi là Ihering, Laband và Jellinek. Ngay cả luật pháp bắt nguồn từ Volksgeist, chính chỉ trong Nhà nước mà pháp luật tìm thấy « điều kiện cho sự tồn tại của chính nó », thực tế nó kéo theo không chỉ quy phạm mà còn chế tài. Vì vậy chỉ có các quy định được ban hành và đảm bảo bằng cưỡng chế bởi Nhà nước mới có tính chất của các quy phạm pháp luật. Cũng thế ý tưởng giới hạn quyền lực Nhà nước bằng pháp luật tỏ ra là hão huyền.

Chính trong ý tưởng rất đặc trưng của trường phái Hegel về « tự hạn chế » mà học thuyết của người Đức tìm thấy chìa khóa của mối quan hệ giữa Nhà nước và pháp luật. Bởi vì Nhà nước là nguồn gốc của luật pháp, bởi vì nội dung của mệnh lệnh mang tính pháp lý phụ thuộc vào Nhà nước, luật pháp tạo nên cho Nhà nước sức cưỡng chế đến từ bên ngoài, một giới hạn khách quan : Không chỉ chính Nhà nước xác định các nguyên tắc áp dụng cho các hoạt động của nó và chính Nhà nước quản lý tổ chức nội bộ của nó (quyền tự tổ chức), ví dụng thông qua việc xây dựng nên một bản Hiến pháp, nhưng hơn thế, các quy tắc này không chỉ được áp đặt lên Nhà nước một cách tùy tiện theo ý chí của bản thân Nhà nước : Điều đó không có nghĩa là quyền lực Nhà nước là không giới hạn, mà Nhà nước được ưu tiên tự xác định cho chính nó các nguyên tắc nhằm khuôn khổ hóa việc thực thi quyền lực và sửa đổi chúng khi cần thiết. Địa vị đặc thù này của Nhà nước trong mối quan hệ với luật pháp lý giải rằng bản thân Nhà nước không thể hành động theo các nguyên tắc áp dụng cho các cá nhân giản đơn : Nhà nước phải phục tùng một thứ luật đặc biệt, đó là luật hành chính vốn dựa hoàn toàn trên ý tưởng « tự hạn chế » ; như vậy lý thuyết Rechtsstaat khởi xướng cho việc hình xây dựng luật hành chính, ngành luật mà tại Đức Otto Mayer (1846-1924) thực sự là người sáng lập.

Tuy vậy, khác với học thuyết « Nhà nước quyền lực », vốn quan niệm luật pháp chỉ được sinh ra để liên kết cả chủ thế và không áp đặt lên Nhà nước (Seydel), những người theo lý thuyết « tự hạn chế » xem pháp luật thực sự là một sự cưỡng chế đối với Nhà nước : Không những Nhà nước không thể tự mình hủy bỏ trật tự pháp lý (Jellinel) mà không phá hỏng nền tảng tạo nên chính Nhà nước, nhà nó còn phải tự nguyện tuân thủ mọi luật lệ. Có 2 lý do cho điều này : Một mặt, bởi vì Nhà nước tìm thấy « lợi ích » trong chừng mực luật pháp hiện hành được tuân thủ tốt hơn nếu chính Nhà nước tuân thủ trước (Ihering), mặt khác bởi vì áp lực xã hội, thứ mà Ihering gọi là « tinh thần quốc gia của luật pháp »- thúc đẩy Nhà nước. Chỉ có điều trong quan niệm này thì luật pháp không tạo nên một giới hạn nội tại, một sức mạnh cưỡng chế phục thuộc đối với Nhà nước : Sự giới hạn chỉ là nội tại và sinh ra từ quá trình khách quan hóa ý chí của Nhà nước trong một trật tự pháp lý đặc trưng bởi tính ổn định, hài hòa và được tổ chức có thứ bậc, sự hạn chế này tỏ ra khá mong manh và chủ yếu phụ thuộc vào mạng lưới của các niềm tin mà trên đó tổ chức chính trị được thiết lập hơn là phụ thuộc vào sức mạnh của luật pháp.

Học thuyết Rechtsstaat của người Đức được học thuyết pháp lý của người Pháp xem xét bằng một thái độ nghi ngờ : được nhìn nhận như là công cụ để hợp pháp hóa chế độ chính trị đế chế, nó bị đánh giá là đối lập với quan niệm Nhà nước Quốc gia được kế thừa từ cách mạng Pháp.

Thứ Sáu, 14 tháng 11, 2008

Sự tự hạn chế

Tự hạn chế
Dẫn nhập đoạn này vì hơi khó hiểu
Để bênh vực Rechtsstaat, học thuyết Đức sáng tạo ra thuyết "Nhà nước tự giới hạn". Một mặt, thuyết này thừa nhận truyền thống tư tưởng trước đây: Nhà nước là nguồn gốc của luật pháp, luật pháp không áp đặt trên Nhà nước một ràng buộc từ bên ngoài, một giới hạn khách quan. Một mặt, thuyết này nói thêm rằng điều đó không có nghĩa rằng quyền uy của Nhà nước là vô hạn, mà chỉ có nghĩa rằng Nhà nước có một đặc quyền - đặc quyền tự mình đặt ra cho mình những nguyên tắc tạo khung cho việc thực hiện quyền lực của mình. Vị thế đặc biệt đó của Nhà nước trong mối tương quan với luật pháp cắt nghĩa tại sao Nhà nước không bị chi phối bởi cùng những nguyên tắc như những cá nhân thông thường: Nhà nước được đặt dưới một luật pháp đặc biệt, luật hành chính, bảo vệ Nhà nước hơn.

Mối quan hệ Nhà nước và pháp luật đã được xem xét trong tư duy triết học Đức theo cách thức dường như đối lập nhau. Trong khi với Kant người xuất hiện như là người khởi đầu đích thực của quan niệm tự do về Rechtsstaat thì thứ luật duy nhất có thật là « luật tự nhiên », « ý niệm về luật pháp » đến trước kinh nghiệm chính trị (quan niệm siêu hình) và chuyển tới một trật tự pháp lý được thiết lập thoạt nhiên dựa trên Lý tính và nhằm phục vụ cho tự do. Đối với Fichte và Hegel thì không có thứ luật nào ngoài luật nhà nước. Fichte cho rằng quan hệ pháp lý là do nhân dân tạo nên trong Nhà nước : « Không tồn tại thứ luật tự nhiên nào hết, có nghĩa là luật pháp không thể là mối quan hệ pháp lý có thể có giữa người vớ người nếu nó không hình thành trong một cộng đồng và không biểu hiện dưới các luật lệ thực định » do vậy, luật tự nhiên hoà lẫn với luật thực định của Nhà nước. Cũng như vậy Hegel cho rằng Nhà nước phải tuân thủ những giới hạn bên ngoài, vì nó hiện thực hóa sự thống nhất, tổng hợp của lợi ích chung và những quyết định đặc biệt.
Tuy vậy, sự đối lập bề ngoài bị nhạt dần. Khi coi Nhà nước là điều kiện cần thiết để diễn dịch ý niệm pháp luật và thực thi tự do. Kant đã gieo mần cho chủ nghĩa thực chứng pháp lý, điều đương nhiên dẫn Kant tới chỗ bào chữa cho sự chuyên quyền « sáng suốt » của Frédéric II. Ngược lại, việc phủ nhận ý tưởng về một thứ luật tự nhiên có trước Nhà nước không có nghĩa là thiếu sự hạn chế quyền lực Nhà nước : Theo Fichte thì Nhà nước có trách nhiệm với cộng đồng đã trao cho nó quyền làm ra luật lệ. Lý luận của Hegel dựa trên ý tưởng Nhà nước là sự thường xuyên liên tục, với tư cách là nguyên tắc tổng quan, hoạt động dựa trên sự phủ định, trên sự lui tới từ tổng thể đến cụ thể, điều này dẫn ra một yếu tố của sự tự hạn chế. Fichte và Hegel, sau đó là Hobbes vốn cho rằng Nhà nước thông qua thỏa ước vốn sản sinh ra nó, được trang bị sự tự chủ hoàn toàn đối với luật lệ, không có nghĩa vụ phải tuân thủ ngay cả mục tiêu vốn tạo ra chính nó. Đối với Spinoza thì chính Lẽ phải thúc đẩy Nhà nước tuân thủ các nguyên tắc mà nó đặt ra.
Dẫu sao thì cách nhìn của trường phái Kant về một thứ « luật tự nhiên lý tính » vốn bao phủ bằng ý tưởng tự do sẽ bị xóa bỏ trong học thuyết pháp lý của người Đức sau thất ại của cách mạng 1848 và sự nắm quyền của Bismarck : luật công như thế sẽ có su hướng hòa vào « luật công thực định », đầu tiên là với Gerber rồi tới Đế chế của Laband (luật công của đế chế đức, tập 6, 1900 -1904)

@Copyright Quan NGUYEN

Thứ Ba, 11 tháng 11, 2008

Nhà nước cảnh sát/ Nhà nước pháp quyền.

Nhà nước cảnh sát/ Nhà nước pháp quyền.

Trong con mắt của các lý thuyết gia thì đặc trưng căn bản của Rechtsstaat thể hiện ở trong mối quan hệ với đối tượng bị quản lý và với tất cả những gì thuộc về quy chế cá nhân của những đối tượng này, Nhà nước hành động dựa trên cơ sở của các nguyên tắc khái quát, các quy phạm và những thứ đã được xác lập từ trước. Sự đòi hỏi này thực sự có ý nghĩa đối với chính quyền và tạo ra nguyên tắc căn bản cho thấy sự khác nhau giữa Nhà nước pháp quyền (Rechtsstaat) và nhà Nhà nước cảnh sát (Polizeistaat)

Cũng như nhà nước pháp quyền và khác với kiểu chính phủ độc đoán hay chuyên quyền, nhà nước cảnh sát thừa nhận chỗ đứng lớn lao của pháp luật : Nhưng đó là thứ luật pháp hoàn toàn mang tính công cụ dựa theo đó chính quyền toàn quyền sử dụng, chính quyền không có nghĩa vụ phải tôn trọng các quy phạm có giá trị tối thượng đã được đặt ra cho chính nó. Đó là thứ pháp luật nhằm áp đặt các nghĩa vụ lên các đối tượng bị quản lý trong khi chính quyền không chịu sự gò bó áp chế nào, nó là biểu hiện và cô đọng của tất cả sức manh của chính quyền. Nhà nước cảnh sát được dựng lên bởi đăc ân của Hoàng đế (luật pháp là ý chí của giai cấp thống trị) : không thực sự tồn tại một giới hạn pháp lý ngăn cản hoạt động của chính quyền, cũng không có một cơ chế bảo vệ thực sự giúp công dân chống lại nhà nước.

Nhà nước pháp quyền đối lập với Nhà nước cảnh sát ở chỗ trong mô hình nhà nước này luật pháp không còn chỉ là công cụ hoạt động của Nhà nước mà còn là phương tiện giới hạn sức mạnh của chính quyền. Pháp luật ở đây mang lại cho chính quyền một đặc trưng hai chiều, pháp luật cho phép chính quyền hành động những đồng thời cũng đề ra nghĩa vụ cho chính quyền đó. Như vậy Nhà nước pháp quyền buộc chính quyền phải phục tùng một tổng thể các nguyên tắc tối thượng và đến từ bên ngoài nó, áp chế lên nhà nước một cách có tính ràng buộc và cưỡng chế. Những quy tắc này trao cho Nhà nước tư cách để hành động và nó cũng xác định các phương thức chính quyền có thể sử dụng : Chính quyền không được áp đăt những gì không được định liệu ngầm từ trước bởi các nguyên tắc trên, các đối tượng bị quản lý có thể viện đến một cơ quan tài phán để yêu cầu hủy bỏ, sửa đổi hay không áp dụng những quyết định hành chính vi phạm các quy tắc trên.

Thực tế thì học thuyết Rechtsstaat dẫ tới việc khẳng định tính tối cao của luật đối với chính quyền : Chính quyền không những tránh hành động trái với luật (contra legem) mà còn phải có nghĩa vụ hành động phù hợp với luật (secundum legem) dựa trên một tư cách hợp pháp. Sự khẳng định này chỉ có ảnh hưởng đối với quan niệm vật chất về luật được tuyên bố bởi học thuyết của người Đức và nó đối lập với hoàn toàn mang tính hình thức sau khi được Carrré de Malberg khởi sướng và thành học thuyết của người Pháp : Xác định bằng nội dung của nó, luật bao trùm toàn bộ sự ban bố (ra lệnh) của các quy phạm nhằm hướng tới đối tượng chịu sự quản lý. Mục đích của luật là « hạn chế các quyền và nghĩa vụ tương hỗ của các cá nhân » (Laband) hoặc là « vạch ranh giới cho các hoạt động tự do của các cá nhân trong các mối quan hệ tương hỗ »(Jellinek)


@Copyright Quan NGUYEN

Thứ Hai, 10 tháng 11, 2008

Học thuyết Rechtsstaat của người Đức

Học thuyết Rechtsstaat của người Đức

Quan điểm mang tính hình thức này chỉ chiếm ưu thế trong học thuyết pháp lý Đức nửa sau của thế kỉ 19. Trong suốt giai đoạn đầu thế ki 19 thì quan điểm tự do chiếm ưu thế. Xuất hiện vào năm 1798 dưới ngòi bút của Johann Wilhelm Placidus, ông sử dụng từ mới Rechtsstaat để gọi tên trường phái Kant, từ này có nghĩ rất gần với Rule of law của người Anh, dùng để chỉ một nhà nước mà phạm vi hoạt động bị giới hạn bởi các quyền tự nhiên của các cá nhân (bảo vệ các quyền tự do dân chủ và an ninh của cá nhân, bảo vệ quyền sở hữu) : sự đòi hỏi này dẫn tới một số nguyê tắc tổ chức cho phép nhà nước được quản lý phù hợp với với những nguyên lý của Lẽ phải (Vertandesstaat)- Hiến pháp đảm bảo các quyền con người và phân chia quyền lực, tính tối cao của luật pháp và công dân được mời tham gia vào quá trình đó thông qua cơ chế Nghị viện (Nhà nước pháp quyền như thế kết hợp với ý tưởng đại diện quốc gia (Volkscertretung), chính phủ đại nghị, sự độc lập của quan tòa. Như vậy thuyết Rechtsstaat xuất hiện như là sự cô động những giá trị của chủ nghĩa tự do mà các thuyết gia trường phái Vormarz ca tụng, nhằm chống lại nhà nước chuyên chế (Obrigkeitsstaat) và cổ vũ cho việc tập hợp các cải cách chính trị tại các nhà nước thành bang của Đức và sự lên ngôi của chế độ quân chủ lập hiến. Nối tiếp nhà nước chuyên chế vốn được thiết lập trên thứ luật lệ mạnh mẽ nhất và nhà nước « thần quyền » dựa trên nguyên tắc của đức tin, nhà nước kiểu Rechtsstaat bị thống trị bởi sự tôn thờ luật pháp, được xem như là giai đoạn đỉnh cao của sự tiến hóa của mô hình Nhà nước(Carl Théodor Welcker), người tiêu biểu nhất trong số các tác giả này là Robert von Mohl (1799- 1875, Die Polizeiwessenschaft nach den Grundsatzen des Rechtsstaates, 1832- 1834)

Phản ứng chống lại quan điểm tự do này, Friedrich Julius Stahl, người nhiệt thành bảo vệ nền quân chủ Phổ phủ nhận từ chỗ định nghĩa của Rechtsstaat tất cả những trích dẫn về mục đích của Nhà nước, và chỉ gắn bó với « cách thức » mà nhà nước dùng để thực hiện quyền lực : Luật pháp như vậy không chỉ là phương tiện để giới hạn quyền lực của Nhà nước nhân danh quyền tự do của các cá nhân mà còn là phương tiện hợp lý để tổ chức nhà nước, « Nhà nước phải định ra, thông qua pháp luật những con đường và những giới hạn cho phạm vi hoạt động của chính nó, cũng như không gian tự do của công dân ». Dù Stahl loại trừ tất cả những lo lắng về đạo đức trong phân tích của ông, thì con đường vẫn mở về phía quan niệm hình thức của Rechtsstaat sẽ được đặt ra ngay sau đó. Rechtsstaat không còn gợi lên nội dung vật chất hay mà đề cập đến cách thức hoạt động của Nhà nước :Một Nhà nước hoạt động trong cái khuôn luật pháp trong khi vẫn tuân thủ lô gic vốn có gắn liền với thể chế của nó. Thứ « khoa học về luật công mới » được hình thành từ các bài viết của « những luật gia của Đế chế », nhất là Carl Friedrich Gerber (1823-1891), Paul Laband (1838-1918), Georg Jellinek (1851-1911) hoàn toàn hướng về thực chứng và xa lạ với những lo lắng của Lorenz von Stein vốn tìm cách vượt qua chủ nghĩa hình thức của lý thuyết Rechtsstaat bằng cách biện họ cho việc đẩy mạnh (quảng bá) của một « nhà nước pháp quyền xã hội ». Vấn đề là thoát khỏi thứ lý thuyết pháp lý về Nhà nước hoàn toàn xem nặng tính triết học, chính trị hay đạo đức, cũng như những câu hỏi liên quan đến nội dung của các luật đang có hiệu lực. Rechtsstaat hướng tới hoà lẫn với một sự tuân thủ giản đơn về tính pháp chế hình thức. Cũng như thế, sự quan tâm hướng một cách rất tự nhiên về phí chính quyền (hành chính) : Rechtsstaat trở thành Nhà nước trong đó chính quyền phục tùng luật pháp và ở kiểu nhà nước này tồn tại những phương cách chống lại chính quyền- bằng hệ thống tòa án theo kiểu tư pháp (Ott Bahr, Otto von Gierke) hoặc là các cơ chế tài phán nằm ngay trong hệ thống hành chính (Rudolph von Gneist). Rechtsstaat chỉ còn là « Nhà nước pháp quyền mang tính hành chính được sắp đặt « (Otto Mayer) bị chi phối bởi vai trò của quan tòa thừa hành bảo đảm sự tuân thủ pháp chế. Lý thuyết « tự hạn chế » trong đó học thuyết của người Đức tạo ra nền tàng của Rechtsstaat, củng cố thứ hình thức chủ nghĩa này, bằng cách đặt pháp luật trong quỹ đạo tuyệt đối của Nhà nước.

Chủ Nhật, 9 tháng 11, 2008

Chế độ pháp luật

Chế độ pháp luật
Tại Pháp cũng như Đức, từ đầu thế kỉ 20 Nhà nước pháp quyền được quan niệm như một kiểu Nhà nước đặc biệt, đặt dưới một « chế độ luật pháp » : trong nhà nước như thế, chính quyền chỉ được sử dụng những phương tiện được ban ra bởi trật tự pháp lý hiện hành, trong khi đó các cá nhân được sử dụng những phương tiện tư pháp để chống lại sự lạm quyền có thể có đến từ chính quyền.
Trung tâm của học thuyết nhà nước pháp quyền, là nguyên tắc theo đó các cơ quan nhà nước chỉ có thể hành động dựa trên một tư cách pháp lý. : mọi hành vi sử dụng sức mạnh vật chất đều phải được hìn thành từ một quy phạm pháp luật. Việc thực thi sức mạnh được chuyển đổi vào thẩm quyền, được thiết lập và đóng khung bằng luật pháp. Trong chừng mực cơ quan nhà nước có nghĩa vụ tuân thủ các quy phạm pháp luật cao hơn , Nhà nước pháp quyền có xu hướng được giới thiệu dưới hình thức một trật tự của các quy phạm. Nhà nước pháp quyền đòi hỏi trước tiên sự phục tùng pháp luật bởi chính quyền : Chính quyền phải tuân thủ các quy định vốn tạo nên nền tảng, khuôn khổ và phạm vi hoạt động của chính quyền đó, sự tuân thủ này phải được đảm bảo bởi sự tồn tại của một cơ chế kiểm soát tư pháp thành thục, tức là hoặc bởi các quan tòa bình thường (Justizstaat), hoặc bởi các tòa án đặc biệt (Sondergerichte). Nhưng lý thuyết này cũng đòi hỏi sự lệ thuộc của luật vào Hiến pháp : Nghị viện phải thực thi những quyền hạn của mình trong khuôn khổ đã được xác định bởi Hiến pháp, và hơn thế, sự can thiệp của một quan tòa, ở đây là một tòa hiến pháp là điều cần thiết để đảm bảo sự tôn trọng tính tối thượng của hiến pháp.
Như vậy, nhà nước pháp quyền được quan niệm đối lập mạnh mẽ với lí thuyết Rule of law của người Anh vốn được Dicey hệ thống hóa ( Introduction to the Study of the Law of the Constitution, 1885), hoàn toàn được dựng dựa trên sự lo lắng để bảo vệ các quyền tự do của cá nhân : Việc tuân thủ trật tự các quy phạm thay thể bằng sự khẳng định uy quyền tối cao và duy nhất của Luật(tất cả sức mạnh của Nghị viện tuy nhiên lại bị kiềm chế bởi quyền tối thượng về mặt chính trị của Quốc gia, bởi sự tồn tại của « các tập tục của Hiến pháp » và sức nặng của công luận), luật pháp buộc phải có một số tính chất nội tại (tính đại chúng, được công bố, không hồi tố, trong sáng, hài hòa, ổn định, và trước hết là có tính dự kiến) ; Cuối cùng, tự do cá nhân được bảo vệ bởi các tòa án thường, nguyên tắc bình đẳng trước luật pháp loại trừ tất cả mọi ưu tiên về mặt tư pháp cho các nhân viên của Hoàng gia. Cũng như thế, tại Hoa kỳ, due process of law, được thừa nhận bởi tu chính án thứ 14 năm 1868 dần dần được biết đến, không chỉ đề ra cho các cơ quan công quyền một số cách thức hành động (procedural due process), ví dụ như sự đảm bảm bằng một bản án đúng-, mà còn kéo theo một số nội dung của luật áp dụng (substantive due proces), trong khi các quan điểm vốn ban đầu không di quá xa nhau, thậm chí là có nhiều điểm chung, thì truyền thống của châu âu lục địa và anh quốc lại được phân cách : khác với rule of law, Nhà nước pháp quyền được xây dựng về căn bản rất là hình thức, độc lập với tính chất « nội dung » hay « thủ tục ».
Tuy vậy thứ chủ nghĩa hình thức này cũng có những hạn chế. Lý thuyết nhà nước pháp quyền đòi hỏi hơn điểm một nhà nước « hàn động bằng pháp luật » thông qua việc tạo lập một trật tự pháp lý có thứ bậc, lý thuyết này cũng đòi hỏi nhà nước, với tư cách như thế phải phục tùng pháp luật chứ không đơn thuần chỉ phục tùng thông qua các cơ quan của nó. Thế mà điều này cũng không phải là sự hiển nhiên : trật tự pháp lý thực tế là trật tự của chính Nhà nước và người ta suy ra từ tính được tổ chức có trật tự thứ bậc của luật pháp ý tưởng rằng Nhà nước phục tùng luật pháp, dù cầu viện đến kiểu suy luận vòng quanh hay trùng lặp về ngôn từ. Bằng cách phục tùng luật pháp mà nó sản sinh ra, nhà nước suy cho cùng thì chỉ phục tùng chính nó. Do đó có nguy cơ là sự lệ thuộc của Nhà nước vào pháp luật đơn thuần chỉ là một thứ mưu mẹo. Lý luận Nhà nước pháp quyền sẽ giải quyết vấn đề này bằng nhiều giải pháp khác nhau : bằng lý thuyết « tự giới hạn » vốn chiếm ưu thế trong tư duy pháp lý của người Đức, theo đó tồn tại một thứ pháp luật có trước và cao hơn cả nhà nước, cũng trả lời bằng các lý luận của hétéro limitation rất điển hình trong tư duy pháp lý Pháp, đặt ra nền tảng của thứ pháp luật nằm ngoài nhà nước, - trước khi H Kelsen chối từ những từ ngữ của cuộc tranh luận bằng cách khẳng định sự đồng nhất của Nhà nước và pháp luật, như vậy có vẻ như gót chân Achille của lý thuyết Nhà nước pháp quyền vốn dựa trên tiền đề về sự phục tùng của nhà nước vào pháp luật, không dẫn tới việc thiết lập một cách logic sự phục tùng này.

Thứ Hai, 3 tháng 11, 2008

Mùa đông và nỗi nhớ…


Tuổi trẻ


Thu đến và đi như một cái chớp mắt, để lại cơ man nào là lá vàng phủ đầy dọc hai con đường nhỏ chạy song song dọc bờ kênh dài tít tắp. Chỉ vậy thôi, mùa thu đã đi xa sau một đêm ngắn ngủi! Vào một sáng trời chợt trở lạnh kèm theo những cơn mưa phùn dài không ngớt mang lại cho đất trời một dư vị khác, mùa đông đã về!

Trời lạnh lại thêm mưa phùn khiến những chàng trai cô gái đến từ xứ sở miền nhiệt đới nóng ấm xa xôi trước khi bước chân tới trường thường phải quàng thêm cái khăn len nhỏ, vội vã phủ lên mình chiếc áo khoác để chống lại mùa đông giá lạnh đang đến.

Nếu ai hỏi anh thích mùa nào nhất trong năm. Anh không trả lời được, vì tính cách vốn khô khan nông cạn khó có đủ tinh tế để nhìn ra được sự đổi thay hay nét đẹp của mỗi thời khắc trong năm.
Nhưng nếu hỏi anh nhớ nhất mùa nào trong năm, anh nghĩ là mình sẽ trả lời luôn không ngần ngại rằng mùa đông.

Mùa đông, nhớ có những khoảng khắc ngắn ngủi rất đơn giản đứng cùng một ai đó thang máy, bất chợt hai cánh tay nhỏ nhắn cài hộ cúc cổ áo khoác hay sửa lại chiếc khăn quàng cổ cho mình thật nhẹ nhàng, kèm theo một nụ cười tinh nghịch và một cái nhìn trìu mến ấm áp vô cùng. Chẳng nhớ hai cánh tay kia của cô gái nào nữa, mà suy cho cùng chẳng cần nhớ làm gì, chỉ cần biết giữa mùa đông lạnh lẽo nơi xứ người, chợt có một bàn tay ấm nóng dịu dàng chìa ra cho mình ...

Trời lạnh, vào buổi chiều muộn và lạnh giá có người khăng khăng đi cùng ra tận bến bus và chờ bus cùng dù ngược đường, đợi cho mình lên xe và lại giơ đôi bàn tay nhỏ nhắn và chắc hẳn cũng ấm áp kia lên vẫy chào tạm biệt. Đợi bus đi xa rồi mới chịu quay về! Thế thôi mà thật là cảm động đến mãi tận bây giờ!

Người con gái giơ hai cánh tay nhỏ thon dài để sửa lại cổ áo khoác cho mình kia, có lẽ lâu qua khiến mình quên mất dáng hình rồi. Và cũng có thể giữa cô sửa cổ áo và cô tiễn ra bus chẳng liên quan đến nhau, thậm chí là ba hay bốn cô hoàn toàn chẳng biết nhau, chẳng thể nào nhớ nổi nữa… Chỉ duy thứ bàn tay nhỏ nhắn nhưng rất đỗi ấm áp, thứ ấm nóng chân thành và giản dị và ngấm mãi tận đáy sâu của trái tim thì chẳng thế nào quên nổi.

Một mùa đông nữa lại về trên xứ của cơ man nào là lá vàng và những cơn gió lạnh thổi dọc triền sông. Mùa đông lạnh lẽo về khiến anh nhớ đến một bàn tay dịu dàng và nồng ấm đã cài hộ ta cúc áo khoác vào một buổi sáng mùa đông nào đó của những năm tháng xa nhà. Cuộc sống thật kì lạ, biết bao người con gái đã đi qua quãng thời gian tuổi trẻ của ta, bao người con gái ta đã ôm trong vòng tay, chẳng hề nhớ dù chỉ một dáng hình hay nét mặt, thế mà lại nhớ và cảm động mãi suốt chiều dài của cuộc sống bởi một cử chỉ đơn giản như thế.

Nguyễn Quân – Toulouse, France