Thứ Bảy, 25 tháng 10, 2008

Siêu đô thị và nguy cơ bị "bỏ rơi" của người nghèo


Bài viết cho Vietnamnet
Theo thống kê, vào năm 1900, toàn thế giới chỉ có 10% dân số sống ở đô thị. Đến năm 1950 con số này là gần 30%. Vào 2007, theo thống kê của Liên hợp quốc, số người sống ở đô thị đã vượt ở nông thôn. Xu thế này sẽ còn gia trong những năm tới, đặc biệt là tại châu Phi và châu Á

Năm 2030, hai khu vực sẽ tập trung đa số các đô thị lớn của thế giới. Lúc đó, số người sống ở thành thị sẽ lên tới 5 tỉ người, chiếm 60% dân số toàn cầu. (Đến cuối năm 2007 có chừng 3,3 tỉ người sống ở đô thị).

Hiện nay, những khu vực phát triển nhất là những nơi có tỉ lệ đô thị hoá cao nhất: Châu Âu, Bắc Mỹ chiếm vị trí hàng đầu với ¾ dân số sống ở thành thị. Với tốc độ đô thị hoá nhanh chóng, quy mô của các đô thị cũng gia tăng một cách ấn tượng.

Vào năm 1975 chỉ có 3 thành phố với dân số hơn 10 triệu người là Tokyo, New York và Mexico. Tới năm 2005 con số này là 20, ba thành phố đứng đầu vẫn giữ nguyên: Tokyo và vùng phụ cân với 35,2 triệu dân, Mexico với 19,4 triệu và New york 18,7 triệu. Phần lớn các thành phố có dân số hơn 10 triệu người nằm ở các nước đang phát triển: Trung Quốc có hai trục đô thị lớn là Thượng Hải và Bắc Kinh, Ấn Độ với ba thành phố Bombay, New Delhi và Calcutta.

Mở rộng địa giới các đô thị và gia tăng dân số chủ yếu diễn ra tại đô thị thuộc các nước đang phát triển. Nói cách khác, hiện tượng đô thị hoá hiện nay chủ yếu diễn ra tại các nước đang phát triển nằm ở Nam bán cầu, với làn sóng người từ các vùng nông thôn đổ về thành phố, dẫn tới việc hình thành các trung tâm đô thị khổng lồ mà người ta vẫn gọi mà các megacity, trong khi ở các nước phát triển, tỉ lệ dân cư sống ở đô thị dường như đã tới mức tới hạn.

Hơn thế, dân thành thị ở các nước giàu lại có xu hướng sống ở ngoại vi, hoặc ít ra thì mua nhà nghỉ ở nông thôn. Hiện tượng này giải thích bởi ham muốn được sống tiếp xúc với thiên nhiên, một ảo ảnh hiện diện từ châu Âu tới Nhật Bản, Hoa Kỳ, cho dù văn hoá, lối sống mỗi nơi có những điểm khác biệt.

Hiện tượng "siêu đô thị" và "nông thôn hoá đô thị"

Các megacity chủ yếu hình thành tại các nước nghèo. Nguyên nhân là những nước này không có phương tiện tài chính cũng như kinh nghiệm để xây dựng hệ thống hạ tầng vươn ra các vùng xung quanh, trong khi tốc độ nhập cư của dân nông thôn quá nhanh, cộng với năng lực quy hoạch kém, tham nhũng, v.v... Vì thế, cơ sở hạ tầng đã kém lại càng quá tải, trong khi dân cư lại vẫn tiếp tục đổ về các thành phố lớn.

Các thành phố thêm một phình to ra trong khi chất lượng cuộc sống không được cải thiện và khoảng cách giàu nghèo ngày một đào sâu thêm. Đó là cái vòng luẩn quẩn mà các nước đang phát triển đang phải đối mặt.

Tuy nhiên dân cư sống tại đô thị ở các quốc gia đang phát triển phải đối mặt với các vấn đề cấp bách như đói nghèo, thiếu nước sạch hay sự phát triển không kiểm soát được các khu ổ chuột. Chính quyền cố gắng để đáp ứng các nhu cầu hiện tại nhưng lại không chuẩn bị tốt cũng như thiếu kinh nghiệm và phương tiện cần thiết để đối phó trước những tác động của việc gia tăng với tốc độ như thế. Rất nhiều dân cư mới gia nhập lớp dân đô thị nghèo đói và sẽ góp phần gia tăng số lượng hàng tỉ người sống trong các khu nhà ổ chuột.


Kinh nghiệm cho thấy rằng bất chấp hoàn cảnh khó khăn mà họ đối mặt như thế nào chăng nữa tại thành phố đô thị thì những người cư dân mới này cũng sẽ không ra đi. Ví dụ cho thực tế trên là nghịch lý trong quá trình đô thị hoá tại các nước Châu Phi: Các thành phố được mở rộng nhanh chóng cùng lúc với hiện tượng mà các nhà nghiên cứu gọi là "nông thôn hoá" chính nó. Chất lượng cuộc sống giảm ngay chính tại các đô thị này, một bộ phân lớn dân cư đô thị phải chịu hưởng chất lượng cuộc sống không khác gì dân cư ở nông thông và đặc biệt họ làm các công việc liên quan đến nông nghiệp.

Ngoài ra, đó là sự ngăn cách bất bình đẳng giữa khu vực nông thôn và đô thị, những khó khăn và bất cập trong việc tiếp cận nước sạch và điện của cư dân đô thị, cũng như sức ép chính trị của lớp thị dân mới này. Những thành phố quá cỡ cũng xuất hiện ở châu Mỹ Latinh, châu Á là một thực tế đã và đang diễn ra, do các quốc gia đã để quá trình đô thị hoá diễn ra tự phát mà không có chiến lựơc quy hoạch phù hợp, dẫn đến các thành phố đã phình ra quá cỡ trong khi kết cấu hạ tầng yếu kém không thể đáp ứng được những nhu cầu tối thiểu của cư dân đô thị.

Những vấn đề mà các quốc gia này phải đối mặt là là dân số tập trung quá lớn vào một vài đô thị (megacity), áp lực về việc làm (thất nghiệp) và nghèo đói, vấn đề nhà ở, cơ sở hạ tầng và dịch vụ, giao thông, tội phạm, bạo lực và khủng bố, vấn đề quản lý đô thị…

Những thách thức do hiện tượng đô thị hoá ồ ạt

Việc đô thị hoá ồ ạt và hình thành các siêu đô thị dẫn tới sự quá tải của hệ thống cơ sở hạ tầng hiện có của các đô thị, khiến các đơn vị hành chính phải nỗ lực tìm kiếm những giải pháp để nâng cấp hệ thống hạ tầng cơ sở nhằm đáp ứng nhu cầu của những cư dân đô thị mới xuất hiện sau dòng người di cư từ nông thôn cũng như từ sự gia tăng dân số tự nhiên tại các đô thị. Điều này đòi hỏi những khoản đầu tư vô cùng lớn tạo nên gánh nặng cho các quốc gia đang phát triển vốn yếu kém về nguồn lực tài chính cũng như nhân lực cho lĩnh vực này.

Trong quá khứ, chính quyền thường đối phó bằng cách cố gắng hạn chế việc di cư từ nông thôn vào thành thị bằng các biện pháp hành chính. Chính quyền đô thị bỏ rơi người nghèo hoặc đơn giản là chối bỏ sự có mặt của họ.

Người nghèo có thể bị bỏ rơi...


Hàng triệu dân cư đô thị hiện nay đang phải sống trong tình trạng không nước sạch, điện, không có cơ hội tiếp cận với giáo dục và y tế (Những tiêu chuẩn cực kỳ tối thiểu của cuộc sống đô thị). Hiện tượng trên gây ra những hậu quả tai hại đối với cuộc sống dân cư và tình trạng xung đột xã hội tại các đô thị xuất phát từ những mâu thuẫn nội tại trong lòng các đô thi liên quan đến nhà ở, y tế, giáo dục, trợ cấp xã hội hay bất bình đẳng xã hội.

Ngay tại những nước phát triển như Pháp cách đây vài năm cũng đã xảy ra nhưng cuộc bạo loạn tại các đô thị mà nguyên nhân là sự bất bình đẳng giữa tầng lớp dân cư cũ và mới trong đô thị.

Người ta thường quy những khó khăn và thách thức tại các đô thị cho hiện tượng nhập cư. Điều này là một nhầm lẫn, bởi ba lý do.

Thứ nhất, việc gia tăng dân số tại đô thị không chỉ do làn sóng người nhập cư mà còn do hiện tương gia tăng tự nhiên dân số.

Thứ hai là không phải làn sóng di cư là nhân tố của đô thị hoá mà ngược lại chính các đô thị thu hút dòng người di chuyển tới những nơi mà họ có thể có chất lượng cuộc sống tốt nhất.

Lý do thứ ba căn bản nhất là việc di cư nếu được quản lý tốt sẽ là nhân tố tích cực cho sự phát triển của đô thị cũng như nông thôn. Sự gia tăng quá trình thị hoá trong những tập kỷ qua là chưa từng có trong lịch sử nhân loại, cũng tạo ra những nguy cơ và cơ hội cho phát triển. Nó đòi hỏi những giải pháp thích hợp đối phó với các thách thức. Điều này trước tiên phải thể hiện ở việc thừa nhận tính tất yếu của hiện tượng đô thị hoá và những lợi ích nó mang lại, cũng như thừa nhận quyền của người nghèo được hưởng những khả năng mà cuộc sống đô thị mang lại.

Nếu lớp dân cư nghèo nhất là những người mang lại sự năng động không thể nghi ngờ và những giải pháp đột phá để đáp ứng nhu cầu của cộng đồng cư dân này, giấc mơ "thành thị" được nuôi dưỡng bởi biết bao con người không thể thực hiện nếu thiếu vắng sự giúp đỡ từ bên ngoài. Các đô thị nhất thiết phải đảm đương được việc cung cấp cho dân cư những dịch vụ cần thiết để đáp ứng những nhu cầu căn bản nhất.

Trước tiên là nhà ở: Việc tiếp cận với nhà ở đối với người nghèo là nhân tố căn bản cho cuộc sống của họ, tiếp theo, là dịch vụ y tế, chăm sóc sức khoẻ, giáo dục… Sự chú ý và quan tâm tới nay tập trung chủ yếu vào các siêu đô thị, trong khi hơn một nửa dân cư đô thị trên thế giới sống trong các thành phố dưới 500.000 dân vốn hết sức thiếu các điều kiện căn bản. Không được đặt các đô thị nhỏ này bên lề của sự phát triển.

Tuy vậy, những khó khăn và bất cập này không thể đảo ngược được xu thế đô thị hoá hiện nay. Và thế giới vẫn không ngừng đô thị hoá trong thời gian tới. Từ nay cho tới thập niên tiếp theo, lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, hơn một nửa dân số thế giới sống trong các thành phố. Trước năm 2030, thế giới sẽ có 5 tỉ người sống ở đô thị, tức khoảng 60% dân số toàn cầu. Ở châu Á và châu Phi, con số sẽ tăng gấp 2 chỉ trong vòng 1 thế hệ: từ 2000 đến 2030, số dân đô thị sẽ từ 1,4 lên 2,6 tỉ người ở châu Á, và từ 300 lên 740 triệu người ở châu Phi.

Ngoài ra, trên quy mô toàn cầu, chính trong những khu phố ổ chuột là nơi tiến hành cuộc đấu tranh để thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỉ, đặc biệt là mục tiêu giảm một nửa số người rất nghèo từ nay đến năm 2015.

Bằng một cái nhìn dài hạn, việc có một kế hoạch chiến lược và sự lãnh đạo dũng cảm, kiên quyết dám đương đầu với những lợi ích mà vốn tạo ra sự nghèo đói đô thị, có thể quyết định lối ra cho cuộc chiến đấu này. Những cũng cần có những cố gắng ở tầm quốc tế để giúp đỡ những cố gắng ở tầm quốc gia, vì sức mạnh của nền kinh tế thị trường không cho phép mỗi quốc gia tự giải quyết những vấn đề liên quan đến nhu cầu của những cư dân nghèo nhất ở đô thị.

Tương lai chúng ta dù muốn hay không sẽ bị đô thị hoá, cần thiết đưa ra chính sách quy hoạch và phát triển đô thị phù hợp và thừa nhận chỗ đứng của chính sách này trong hệ thống chính sách công quyền nhắm thu hút một phần tiềm lực phát triển của nó và giảm thiểu đói nghèo trong khu vực đô thị cũng như nông thôn.
  • Nguyễn Quân

Hợp tác liên đô thị

Đăng ở tia sáng



Thay vì phát triển các siêu đô thị, xu thế của quy hoạch đô thị ở Pháp cũng như một số nước châu Âu là phát triển các đô thị vệ tinh nhằm san sẽ bớt gánh nặng cho các đô thị sẵn có. Tuy nhiên sự phân tán các đô thị sẽ gây khó khăn về quản lý. Vấn đề đặt ra là tìm kiếm một hình thức hợp tác phù hợp giữa các đô thị vệ tinh và đô thị trung tâm.
Nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển hài hòa giữa các đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh quanh nó, những năm gần đây tại Pháp thường sử dụng thuật ngữ "hợp tác liên đô thị" (intercommunalité hay coopération intercommunale), vốn được manh nha hiện từ cuối thế kỉ 19, hình thức hợp tác liên đô thị đươc chú trọng phát triển từ đầu những năm 90, đặc biệt là trong khuôn khổ luật ngày 6/2/1992. Trong vòng 10 năm sau đó, hình thức quản lý này có được một chỗ đứng vững chắc trong lĩnh vực quy hoạch và quản lý đô thị, với sự tiếp sức của luật Chevènement ngày 12/7/1999 về đơn giản hóa phương thức hợp tác và liên kết chuỗi đô thị.
Dưới góc độ pháp lý thì các đô thị trung tâm và đô thị vệ tinh vẫn là các đơn vị hành chính độc lập, có thẩm quyền riêng biệt (hệ thống hành chính của Pháp là phân quyển và tản quyền, khác với hình thức tập quyền của hệ thống hành chính Việt Nam), vấn đề đặt ra khi phát triển hình thức đô thị vệ tinh là tạo ra một khuôn khổ pháp lý thuận lợi và hiệu quả cho sự hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình phát triển giữa đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh.
Khi các đô thị quyết định gộp lại nhằm cùng thực thi một số nhiệm vụ nào đó, như thu dọn và xử lý rác, cấp thoát nước, giao thông công cộng, hay cùng xây dựng một chiến lược, dự án phát triển, quy hoạch và chỉnh tranh độ thị, các đơn vị này có thể lập ra các "cơ quan công quyền về hợp tác liên đô thị" mà thành viên được cử từ đại diện của các đô thị thành viên.
Như vậy có thể thấy, thẩm quyển mà các cộng đồng liên đô thị được thực thi khá đa dạng: Thu dọn và xử lý rác thái, cấp thoát nước, giao thông công cộng, quy hoach và chỉnh trang độ thị, xây dựng đường sá, nhá ở, các công trình văn hóa và thể thao… Hình thức hợp tác liên đô thị này thực tế giải quyết được những khó khăn về quản lý do việc phân tán các độ thi gây ra, đồng thời không phá vỡ cấu trúc và địa giới của các đô thị hiện có.
Theo quy định của Pháp, liên kết chuỗi đô thị được tổ chức theo 3 cấp độ, phụ thuộc vào quy mô dân số của nhóm đô thị đó :
- Chuỗi liên kết các xã (chủ yếu ở khu vực nông thôn), tập hợp các đơn vị lãnh thổ cấp xã với mục tiêu liên kết các đơn vị này nhằm xây dựng đề án quy hoạch và phát triển của các đơn vị thành viên.
- Chuỗi liên kết đô thị trung tâm và vùng ngoại vi (cho các chuỗi đô thị có quy mô dân số từ 50.000 đến 500.000).
- Chuỗi liên kết đô thị (áp dung cho các đô thị có dân số hơn 500.000 người).
Hai hình thức liên kết cuối có mục tiêu xây dựng và quản lý đề án phát triển chung của chuỗi đô thị trong lĩnh vực quy hoạch lãnh thổ.
Các đơn vị thành viên phân bố ngân sách cần thiết để cơ quan hợp tác liên đô thị có đủ khả năng tài chính thực hiện các nhiệm vụ đã phân bổ. (Luật mới năm 2004 cho phép các thiết chế này có ngân sách riêng phân bố từ các cấp hành chính cao hơn là vùng và tỉnh)
Liên kết chuỗi cho phép các địa giới lãnh thổ tập hợp lại trong khuôn khổ một cơ quan công quyền chung để đảm bảo thực thi một số chức năng mang tính thường xuyên (thu nhặt và xử lý rác thải đô thị, cấp thoát nước, giao thông công cộng), hoặc là cùng xây dựng các đề án phát triển kinh tế- xã hôi, quy hoạch, chỉnh trang và quan lý đô thị. Cũng nên chú ý rằng các cấu trúc liên lãnh thổ này khác với các đơn vị hành chính lãnh thổ độc lập ở chỗ nó chỉ có một số thẩm quyền hạn chế (phân định rõ chức năng và thẩm quyền khi thành lập). Hợp tác liên đô thị không phải là hình thức sát nhập các đơn vị lãnh thổ khác vào một đô thị trung tâm như hình thức mở rộng địa giới thủ đô Hà Nội đang được đệ trình tại Việt Nam.
Mô hình liên kết chuỗi đô thị tuy mới mẻ nhưng đã được áp dụng tại một số quốc gia khác, ví dụ như tại vùng Québec (Canada) với cộng đồng liên kết đô thị Montréal được tạo ra vào năm 1970 và nhường chỗ cho hình thức "Montréal mới" gồm các đơn vị hành chính cũ được hợp nhất và phát triển với một chu vi rộng lớn hơn.
Tại Châu Âu, một số quốc gia cũng áp dụng hình thức này, ví dụ như các thành phố thuộc vùng walloni của Bỉ như Charletoi, Liège, Mons- Borinage, v.v.

Pháp tập trung phát triển đô thị quanh khu vực thủ đô Paris và vùng Ile de France, khu vực này có diện tích 12000 km² (1/40 diện tích nước Pháp) nhưng chiếm tới 1/5 dân số cả nước (12 triệu người). Trong vùng Ile de France thì chỉ riêng Paris và khu vực phụ cận đã chiếm tới 90 % dân số của cả vùng trong khi chỉ chiếm 20% diện tích. Việc tập trung quá đông dân cư trên một khu vực lãnh thổ nhỏ hẹp tạo ra không ít khó khăn cho các nhà quản lý đô thị, đặc biệt là nạn ùn tắc giao thông và ô nhiễm không khí do một lượng lớn hàng triệu xe hơi gây ra. Tránh mắc lại những hạn chế do việc quy hoạch theo mô hình « siêu đô thị » từ mấy chục năm nay các nhà quy hoạch Pháp tập trung phát triển mô hình đô thị vệ tinh quanh các trung tâm đô thị vốn có, xem đây là chiến lược hợp lý và mang tính bền vững nhằm giảm bớt áp lực và gánh nặng về dân cư, nhà ở và giao thông cho các đô thị lâu đời của Pháp, đồng thời tạo điều kiện giảm dần sự chênh lệch về phát triển giữa các khu vực lãnh thổ.

Cô gái đến từ hôm qua (tản văn)

Cô gái đến từ hôm qua

Mến tặng YiFei

Đăng TTO thứ Sáu, 11/04/2008

Mỗi lần nghe bài hát Cô gái đến từ hôm qua (tác giả: Trần Lê Quỳnh), tôi lại gợi nhớ đến một câu chuyện nhỏ nhỏ xinh xinh của một thời chưa xa.

Hồi ấy hai chúng tôi quen nhau trong một lớp học nâng cao tiếng Pháp. Nàng, người con gái đáng mến có nụ cười dịu hiền... Có người gọi đó là nụ cười tỏa nắng, tôi chỉ đơn giản gọi đó là nụ cười ấm áp và có sức khích lệ. Ngày ấy mỗi khi gặp những điều không suôn sẻ trong cuộc sống và học hành chỉ cần thấy nụ cười của nàng trên môi là mọi vất vả, cực nhọc tan biến.

Nhưng người con gái phương Bắc ấy lại có đôi mắt thật buồn. Thật khó kiếm đủ từ để mô tả hết nỗi buồn tự nó vốn có trong đôi mắt luôn ngân ngấn nước ấy...

Nàng có một gia đình không hạnh phúc, người mẹ tài giỏi nhưng thích cuộc sống tự do hiện đại đã bỏ 2 anh em nàng cho bố nuôi để tìm đến một cuộc sống nhiều tự do hơn. Dẫu sống với bố và ông bà nội trong một gia đình trí thức, giàu có và nhiều yêu thương, dẫu học giỏi và chăm chỉ, có một công việc yêu thích và có thằng bạn tuy luôn sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ như tôi, nhưng với nàng, dường như không đủ. Luôn nuối tiếc và hoài niệm về mối tình thuở học trò với cậu bạn học cùng lớp cấp III... Nhiều năm trôi qua, hạnh phúc, vui buồn nếm trải nhưng nàng vẫn không quên được người con trai ấy.

"Cậu biết không, bọn tớ quen biết nhau từ thời cấp II, cả hai học cùng lớp năng khiếu vẽ và mẹ của cậu ấy cũng là cô giáo dạy môn hóa của tớ... Những tháng ngày tươi đẹp của tình cảm trong trẻo thuở học trò rồi cũng kết thúc, đơn giản vì đến lúc chúng ta phải làm người lớn...

Năm lớp 11 bạn ấy quyết định đi Canada và định cư ở đó cùng với bố. Một quyết định hẳn là không dễ dàng nhưng cần phải có. Khi người ta còn trẻ và có cả một tương lai dài rộng phía trước những chuyện tình cảm kiểu trẻ con chỉ là một phần không quá quan trọng phải không? Như bao đôi trai gái khác khi chia tay, bọn tớ hẹn một ngày không xa gặp lại. Nhưng tớ hiểu sẽ chẳng có ngày đó…

Hai năm tiếp theo với tớ thật sự khó khăn, nhiều khi tưởng chừng như không vượt qua nổi. Có lúc tớ đã từng có ý định chết đi để chấm dứt những nỗi buồn và nhớ thương. Và thật sự nếu bà tớ không phát hiện sớm hành động dại dột đó thì tớ cũng chẳng ngồi đây mà kể cho K câu chuyện thuở xa xôi của mình.

Hai năm trong nỗi đau buồn u uất nhưng cũng hai năm tớ làm việc hiệu quả và có ý nghĩa. Tớ học tập như điên để không có thời gian nghĩ đến những chuyện đã qua. Tớ có kết quả tốt trong kỳ thi đại học, vào được ngôi trường với chuyên ngành mà tớ yêu thích.

Những năm đại học tớ có rất nhiều người con trai yêu mến và theo đuổi, thậm chí tớ từng có cậu bạn trai, người mà tớ có nhiều kỷ niệm vui buồn không hẳn dễ quên... Nhưng dư âm của mối tình xa xôi ấy mãi không phai mờ.

Giờ đây cậu bé của ngày hôm qua ấy đã là một hoạ sĩ danh tiếng ở Canada, có hẳn mấy galary riêng..., thậm chí tớ cũng biết người ta vẫn luôn hỏi thăm về tớ, vẫn kể về thời học trò với niềm tiếc nuối... Nhưng cái gì đã qua không thể trở lại, người lớn mãi không thể trở lại làm trẻ thơ...

Chuyện tình của tớ vậy đó, còn K, kể cho tớ chuyện của cậu đi?"

"Hồi cấp III và đến tận bây giờ, tớ vẫn mãi là thằng ngố, mà con gái thì chẳng ai thích có một người như thế làm bạn trai đâu". Nhưng nếu những người châu Á chúng ta tin vào kiếp sau và nó là có thật, tớ muốn được làm anh chàng thứ nhất của cậu, dù chỉ một vài giờ ngắn ngủi.. ."

Một buổi tối mùa đông năm ấy tại thành phố êm đềm nơi đã lưu giữ biết bao kỷ niệm của những năm tháng tuổi trẻ mải mê học hành, tôi đã gửi nàng bài Cô gái đến từ hôm qua kèm bản dịch tiếng Pháp của lời bát hát.

.....

"K thân mến, tớ thích bản dịch tiếng Pháp cũng như giai điệu của bài hát mà cậu gửi, lời đơn giản nhưng đẹp và có ý nghĩa. Quan niệm về cái đẹp của tớ đơn giản: cái đẹp cần sự giản dị và tự nhiên... Một bài hát hay đơn giản chỉ vì nó diễn đạt được một cảm xúc nào đó mà người nghe muốn nói…

Cậu thấy đó, không đơn giản mà chúng mình trở thành bạn bè thân thiết, quí mến và thương yêu nhau tớ không biết cậu quí mến tớ vì điểm gì, nhưng tớ mến sự đơn giản, mộc mạc và chân thành của cậu...".

"Âm nhạc đúng là không biên giới! Người ta khác nhau về quốc tịch, màu da, ngôn ngữ và cả thói quen nghĩ suy, nhưng những tình cảm vui buồn thì có lẽ không có nhiều sự khác biệt. Một bài hát tiếng Việt hoàn toàn diễn tả một thứ tình cảm mà một người Pháp hay một người đến từ đất nước xa xôi nào khác muốn nói... Cảm ơn K rất nhiều vì sự đồng điệu đó".

"...Bạn X mến yêu! Cậu biết không, giờ đây ấy đã trở thành "cô gái đến từ hôm qua" của tớ, dẫu giữa chúng ta không có nhiều điều để nhớ về, dẫu tớ không phải là một cái gì thứ nhất nơi cậu và ngược lại. Dẫu chúng ta xa cách không hề hẹn một ngày gặp lại, nhưng lòng tớ vẫn mong ước một ngày được nhìn lại nụ cười dịu hiền và đầy sự khích lệ của cậu…

Và tớ sẵn sàng đánh đổi tất cả để nụ cười luôn về và hiện hữu trên khuôn mặt nhiều khi mệt mỏi vì công việc và những âu lo ấy".


Áo cưới - tản văn

Áo cưới
Tản văn
Viết để nhớ tới YiFei
Bài này đăng trên TTO thứ Bảy, 24/11/2007


Mỗi lần đi qua cửa hàng áo cưới, lòng tôi lại ngổn ngang bao điều. Nhìn những bộ váy áo đẹp đẽ, tinh khôi dành cho cô dâu, hay chợt gặp khuôn mặt rạng ngời niềm vui của những cặp trai gái yêu nhau, một nỗi buồn mênh mang ùa về trong tôi.

Hồi ấy quen nhau, tôi vẫn chỉ là cậu sinh viên xa nhà, còn nàng đã đi làm cho một cửa hàng áo cưới khá sang trọng. Mỗi tuần mấy ngày nàng tới đó làm việc với tư cách là người phác thảo các ý tưởng mới của những người thiết kế. Nghĩa là vẽ minh họa những bộ quần áo. Công việc nghe có vẻ khá nhàm chán với một kẻ thích thay đổi như tôi, nhưng với nàng đó là cả một niềm đam mê.

Tôi vốn vô tâm, và đến bây giờ vẫn vậy, thành thử tôi ít quan tâm đến công việc của người khác, dẫu là của người mình rất thân thiết chăng nữa. Dù vậy, tôi luôn kiên nhẫn lắng nghe khi nàng kể chuyện công việc hằng ngày của mình. Tôi yêu những giây phút bình dị đó! Khi ấy thay cho ánh mắt u buồn vốn có của nàng là niềm vui lấp lánh trong cái nhìn dịu hiền và bao dung.

Một lần chúng tôi gặp nhau, bỗng đang vui vẻ vì khá lâu không gặp mặt thì nàng kể "chiều nay tớ buồn lắm cậu ạ, chẳng hiểu tại sao nữa...". Một thằng con trai vô tư như tôi thật đúng là không biết cách động viên người khác ngoài câu hỏi muôn thuở "có chuyện gì à, kể tớ nghe xem sao".

Và rồi nàng kể:

"Sau một tuần làm việc khá vất vả thì công việc cũng kết thúc. Nhóm của tớ đã hoàn tất mấy bộ váy cưới khách hành vừa đặt. Do không có người thử nên ông bà chủ liền bảo: "Thôi không sao, vậy thì X thử vậy nhé, dáng cô cũng thanh mảnh như cô khách hàng, nên cứ thử xem có đẹp không nào, thử thôi nhé, vì một ngày nào cô cũng sẽ được mặc chính thức, không đóng vai thế nữa"...

Tớ không biết tại sao lúc đó tớ lại khóc, nhưng mong muốn một ngày nào đó được mặc áo cưới có phải là một ước mơ xa xôi không cậu?".

Tôi là kẻ khù khờ và chỉ biết lặng thinh khi nghe nàng kể, rồi khẽ nắm chặt bàn tay nhỏ bé của nàng.

Tôi nghĩ nàng mặc áo cưới sẽ rất đẹp! Và giờ đây tôi cũng biết tại sao lúc đó nàng lại khóc...

Nhiều khi một người góp phần mang lại niềm vui cho người khác, thậm chí rất nhiều người, nhưng chính họ lại chẳng bao giờ được hưởng niềm vui đó dù nó cũng giản dị và đơn sơ...

...Có lẽ nàng sẽ không bao giờ có cơ hội mặc áo cưới - mà chú rể là tôi - vì nhiều lý do khác nhau, trong đó vì sự đắn đo của tôi. Tôi đã tiếc nuối một vài năm tháng tuổi trẻ, tôi lo lắng, tôi e ngại những điều không đáng có, tôi sợ tương lai dài rộng phía trước của mình bị tổn hại... Dành một vài năm, thậm chí nhiều hơn, cho người phụ nữ mà mình yêu thương rất mực, một người xứng đáng được hưởng hạnh phúc, nhưng tôi đã không dám làm!

Và giờ đây mỗi khi đi qua cửa hàng áo cưới, tôi lại nhớ đến nàng, nhớ đến nụ cười dịu hiền mà chất chứa yêu thương của nàng, thử mường tượng ra hình ảnh nàng đang mặc một trong các bộ váy trưng bày trong tủ kính... Ôi chao, một hình ảnh bình dị nhưng lại quá xa xôi...