Thứ Ba, 28 tháng 10, 2008

Mặt trái của việc mở rộng Hà Nội

Bài này viết cùng Hậu Béo và Minh sexy đợt rộ lên đề án mở rộng Hà Nội, gửi cho mấy báo nhưng không nơi nào đăng cả nên gửi đăng BBC Việt ngữ.
Nhân cuộc tranh luận về việc mở rộng thủ đô, BBC xin giới thiệu bài viết của Nguyễn Quân, Viện nghiên cứu pháp lý về xây dựng và quy hoạch Toulouse, Pháp; Phùng Trung Hậu, Kiến trúc sư, Barcelona, Tây Ban Nha; Nguyễn Lê Minh, Kts, Mexico Citi, Mexico.

XU THẾ MỞ RỘNG THỦ ĐÔ

Đề án mà Chính phủ đệ trình trước Quốc hội dường như đã vô tình hay cố ý nhầm lẫn giữa quy hoạch Thủ đô theo hướng mở rộng không gian ảnh hưởng bằng hình thức "quy hoạch vùng Thủ đô" với việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô.

Ngay cả những ví dụ mà những người lập đề án đưa ra cũng không chính xác về mặt khoa học, ví dụ:

- Thủ đô của Brazil không phải được mở rộng thêm Brazilia bên cạnh Sao Paulo (không phải San Paulo). Sao Paolo chưa bao giờ là Thủ đô của lên bang Brazil, vào năm 1960 chính quyền nước này đã quyết định chọn Brazilia làm Thủ đô mới thay thế cho Rio de Janeiro ( Rio de Janeiro là thủ đo của Braxin từ thời thuộc địa Bồ Đào Nha 1808 đến năm 1960, còn Sao Paulo là trung tâm kinh tế lớn nhất liên bang có vai trò tương tự như TP. Hồ Chí Minh).

Tại Pháp để giảm gánh nặng tập trung cho thủ đô Paris, người ta cho xây dựng thêm 5 đô thị vệ tinh ở vùng phụ cận gồm Cergy-Pontoise, Évry, Marne-la-Vallée, Sénart et Saint-Quentin-en-Yvelines.

- Trường hợp của Kuala Lumpur, chính quyền nước này xây dựng 2 thành phố mới Pytrajaya và Cyberjaya ở ngoại ô Thủ đô theo mô hình thành phố vệ tinh nhằm giảm tải cho Kuala Lumpur vốn gặp nhiều khó khăn do việc tập trung quá đông dân cư trong một địa giới chật hẹp.

Trong đó Pytrajaya được xem như Thủ đô hành chính mới của Malaysia nằm cách Thủ đô cũ 20km về phía nam. Còn Cyberjaya là trung tâm công nghệ cao, được ví như "thung lũng Silicon của châu Á"

Những nhầm lẫn có thể nói là sơ đẳng này mà bất cứ ai chú ý cũng có thể nhận ra. Điều này có vẻ trái ngược với tuyên bố trước báo chí của những người phụ trách đề án: "đề án đã được xây dựng hết sức cẩn trọng, kỹ lưỡng". Sự nhầm lẫn không biết là vô tình hay hữu ý của những người lập đề án qua những ví dụ được trích dẫn dường như với mục đích thuyết phục rằng xu thế đô thị hoá ở các quốc gia hiện nay là mở rộng và làm phình to các đô thị hiện có bằng cách sát nhập địa giới. (mà cụ thể trong trường hợp này là phình to Hà nội, ôm trọng Hà tây cùng một số huyện thuộc Hoà Bình Vĩnh Phúc...)

Nhưng xây dựng quy hoạch vùng thì lại hoàn toàn khác.Với áp lực về sự bùng nổ dân số và các vấn đề xã hội, kinh tế trong các đô thị - thủ đô.Các quốc gia thường xây dựng các thành phố mới nhằm giảm tải cho Thủ đô đông đúc và quy hoạch kém, và phải đối mặt với những thách thức liên quan đến giao thông công cộng, rác thải, ô nhiễm môi trường… ví dụ ngay từ những năm sau chiến tranh thế giới thứ hai, thay vì sáp nhập một cách máy móc các địa phương lân cận vào địa giới hành chính thủ đô London, chính phủ Anh đã cho xây dựng các new towns (thuật ngữ New Town xuất hiện ở Anh để để chỉ mô thức phát triển đô thị vệ tinh ở Anh từ sau Thế chiến thứ hai) gồm Crawley và Milton Keynes ở ngoại vi London. Tại Pháp để giảm gánh nặng tập trung cho thủ đô Paris, người ta cho xây dựng thêm 5 đô thị vệ tinh ở vùng phụ cận gồm Cergy-Pontoise, Évry, Marne-la-Vallée, Sénart et Saint-Quentin-en-Yvelines, trong đó Marne -la-Vallé trở thành trung tâm mới của Thủ đô Paris và vùng lân cận về kinh tế, thương mại và khoa học kỹ nghệ.

Trong báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội thể hiện sự thiếu rõ ràng và nhất quán. Một mặt muốn xây dựng quy hoạch vùng thủ đô, tức là áp dụng mô hình phổ biến hiện nay trong mở rộng không gian đô thị (mô hình đô thị vệ tinh chức năng) ở phần đầu (2. Quá trình lập quy hoạch vùng thủ đô) và phần cuối bản báo cáo (định hướng phát triển không gian đô thị thủ đô) với những lý lẽ ủng hộ cho việc mở rộng địa giới hành chính của thủ đô lên gấp 3 lần (!?). Nghĩa là mập mờ hay cố tình không phân biệt sự khác nhau giữa xây dựng quy hoạch vùng Thủ đô và mở rộng địa giới hành chính thủ đô?

Các thành phố thêm một phình to ra trong khi chất lượng cuộc sống không được cải thiện và khoảng cách giàu nghèo ngày một đào sâu thêm. Đó là cái vòng luẩn quẩn mà các nước đang phát triển đang phải đối mặt.

Cần phải nhắc lại rằng, hình thức quy hoạch phát triển đô thị theo mô thức "đô thị trung tâm và các đô thi vệ tinh chức năng" hoàn toàn khác biệt với cách thức "sát nhập toàn bộ một khu vực địa lý rộng lớn duới sự quản lí tập trung cả một cơ quan hành chính thống nhất".

Dưới góc độ pháp lý thì các đô thị trung tâm và đô thị vệ tinh vẫn là các đơn vị hành chính độc lập, có thẩm quyển riêng biệt, tức là có bộ máy hành chính và tư pháp độc lập, không phụ thuộc nhau. Tuy nhiên, các đô thị vệ tinh được xây dựng theo mô hình đô thị chức năng nhằm giảm gánh nặng cho đô thị trung tâm, và được liên kết, hỗ trợ lẫn nhau bằng một khuôn khổ pháp lý thuận lợi.

Khi các đô thị quyết định gộp lại nhằm cùng thực thi một số nhiệm vụ nào đó, như thu dọn và xử lý rác, cấp thoát nước, giao thông công cộng, hay cùng xây dựng một chiến lược, dự án phát triển, quy hoạch và chỉnh trang đô thị, các đơn vị này có thể lập ra các "cơ quan công quyền về hợp tác liên đô thị " mà thành viên được cử từ đại diện của các đô thị thành viên. Mô hình này đã đựoc nhiều nước áp dụng thành công như Pháp, Bỉ, Canada...

Có một nghịch lý tại các nước châu Phi - trình độ phát triển tương đương Việt Nam hiện nay.

Các thành phố được mở rộng cùng lúc với việc “nông thôn hóa” chính nó là do chất lượng cuộc sống giảm. Một bộ phận lớn dân cư đô thị có chất lượng cuộc sống không khác gì dân cư ở nông thôn và đặc biệt là họ vẫn làm các công việc liên quan đến nông nghiệp. (Đây là viễn cảnh có thể nhìn thấy được nếu Hà nội nay mai được mở rộng theo đề án đang đệ trình).

Những đô thị khổng lồ đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều ở châu Mỹ Latinh, châu Á. Do các quốc gia đã để quá trình đô thị hóa diễn ra tự phát mà không có chiến lược quy hoạch phù hợp (bằng cách sử dụng những kinh nghiệm của các quốc gia Tây Âu trong việc hoạch định chính sách sử dụng đất đai, quy hoạch và chỉnh trang đô thị, quản lý và giải quyết các vấn đề mới nảy sinh trong quá trình đô thị hoá), dẫn đến các thành phố đã phình ra quá cỡ trong khi kết cấu hạ tầng yếu kém không thể đáp ứng được những nhu cầu tối thiểu của cư dân đô thị. Những vấn đề mà các quốc gia này đang phải đối mặt là dân số tập trung quá lớn vào một vài đô thị, gây áp lực về việc làm dẫn đến khoảng cách chênh lệch về giàu nghèo cao, nhà ở, cơ sở hạ tầng và dịch vụ, giao thông yếu kém.

Các Megacity (siêu đô thị) chủ yếu hình thành tại các nước nghèo. Nguyên nhân là những nước này không có phương tiện tài chính cũng như kinh nghiệm để xây dựng hệ thống hạ tầng vươn ra các vùng xung quanh, trong khi tốc độ nhập cư của dân nông thôn quá nhanh, cộng với năng lực quy hoạch kém, tham nhũng, v.v... Vì thế, cơ sở hạ tầng đã kém lại càng quá tải, trong khi dân cư lại vẫn tiếp tục đổ về các thành phố lớn.

Nếu trước tiên Hà Nội làm tốt nhiệm vụ của mình, là tổ chức sao cho ra một thủ đô văn minh, ngăn nắp sạch sẽ, thì hẳn sẽ dễ hơn, khi đó, các thành phố và tỉnh lân cận sẽ đảm nhận các vai trò về kinh tế, giúp giảm gánh nặng cho thủ đô.

Các thành phố thêm một phình to ra trong khi chất lượng cuộc sống không được cải thiện và khoảng cách giàu nghèo ngày một đào sâu thêm. Đó là cái vòng luẩn quẩn mà các nước đang phát triển đang phải đối mặt.

TÁC ĐỘNG THEO ĐỀ ÁN CHÍNH PHỦ

Mở rộng địa giới hành chính có ích gì, khi những độc lực giúp cho một đô thị phát triển chính là nội lực và cơ chế, cùng với khả năng quản lý của bộ máy hành chính ở đô thị đó? Nếu như mở rộng địa giới hành chính, chúng ta có thể hình dung như một người đã bày bừa căn phòng của mình rồi muốn có thêm căn phòng rộng ra, hi vọng thoáng đãng hơn, nhưng thực ra, nếu anh ta không dọn ngăn nắp lại căn phòng của mình, thì căn phòng mới có rộng ra rồi anh ta cũng lại bày bừa ra mà thôi.

Mở rộng địa giới hành chính Hà nội, những giá trị văn hoá của các vùng giàu truyền thống như Hà Tây, Sơn Tây có nguy cơ bị mai một. Không ai bỏ tiền cho từng người dân để giữ văn hoá của họ, khi mà đất của họ đã trở thành đất Hà Nội, họ có quyền được như chính " người Hà Nội" - đô thị hoá một cách cưỡng bức .Tất yếu là chúng ta sẽ có một đô thị " nhà quê" tại các vùng quê truyền thống. Không màu xanh, không ra nông thôn, mà cũng chả văn minh như thành phố. Tỷ lệ nông dân không có việc làm chắc chắn sẽ tăng do bán đất ruộng. Các vấn đề xã hội sẽ nảy sinh. .. Đó là những thực tế mà những ai có đầu óc suy lụân, đối chiếu với trình độ quản lý và bối cảnh hiện nay của Việt Nam thì sẽ hình dung ra ngay được.

Nếu trước tiên Hà Nội làm tốt nhiệm vụ của mình, là tổ chức sao cho ra một thủ đô văn minh, ngăn nắp sạch sẽ, thì hẳn sẽ dễ hơn, khi đó, các thành phố và tỉnh lân cận sẽ đảm nhận các vai trò về kinh tế, giúp giảm gánh nặng cho thủ đô.

Con người, bản chất rốt ráo họ cũng như con vật về bản năng sinh tồn, bản năng " kiếm ăn ". Nơi nào có chỗ cho sự phát triển, thì nơi đó nguời ta sẽ đến, mà chả cần phải khoác áo thủ đô hay bất kỳ cái gì. Vậy tại sao chúng ta không thu hút đầu tư cho các tỉnh này để phát triển kinh tế vốn đã là tiềm năng của họ? Hơn nữa, do không thay đổi về địa giới hành chính, chúng ta sẽ tránh được một cuộc khủng hoảng về bất động sản mà suy cho cùng những cuộc khủng hoảng này chỉ có lợi cho giới đầu cơ đất.

Nếu như coi việc mở rộng thủ đô là khoác tên mới cho các miền đất cũ để phát triển kinh tế, thì hoá ra chúng ta thừa nhận sự phát triển chỉ mang tính hình thức và bề nổi. Cũng có nghĩa là thừa nhận căn bệnh ưa hình thức sáo rỗng , và chấp nhận ủng hộ nó như một chân lý đúng đắn.?

QUẢN LÝ ĐÔ THỊ

Về diện mạo đô thị, thì các tỉnh luôn lấy Hà Nội làm tấm gương, những ảnh hưởng tích cực cũng như tiêu cực của Hà Nội đã và đang để lại dấu ấn trên các miền quê. Vì vậy, việc đô thị hoá theo hướng chọn lọc và văn minh cho thủ đô là cần thiết trong giai đoạn hiện nay, không những tạo ra bộ mặt đô thị chỉn chu cho chính thủ đô (vai trò của một quốc gia trong quan hệ quốc tế) mà còn tạo ảnh hưởng lên các vùng lân cận (vai trò đô thị trung tâm của quốc gia).

Hiện nay Hà Tây chưa sát nhập vào Hà Nội mà giá đất trên địa bàn đã lên rất cao, do giới đầu cơ nhà đất đẩy lên. Đó là một sự bất hợp lý, và sự bất hợp lí này sẽ được nhân lên khi việc sát nhập chính thức được thông qua. Đó là một thực tế không thể phủ nhận. Nạn nhân của một tương lai bất ổn ấy chắc chắn không phải những người đầu cơ, càng không phải là cán bộ trong bộ máy chính quyền sẽ hình thành, trách nhiệm đương nhiên cũng sẽ không nằm lên vai những người xây dựng nên đề án này, mà những người thiệt thòi chính là những người dân nghèo.

Hà nội là thủ đô của cả nước, thẳng thắn mà nói bộ mặt của thủ đô vẫn còn chưa sáng sủa lắm, chưa nói gì đến sánh cùng các nước trong khu vực. Sau khi sát nhập thì bộ mặt của "thủ đô pha nông thôn" sẽ như thế nào đây??

Mục đích của đô thị hoá hay bất cứ tiến trình cải biến xã hội nào cũng là nâng cao đời sống nhân dân và giảm sự chênh lệnh về mức sống giữa các tầng lớp dân cư. Vậy thì mục đích này sẽ không đạt được với một đề án chưa được nghiên cứu kĩ lưỡng trên phương diện các tác động xã hội và văn hoá.

Ngoài ra, việc yếu kém về mặt quản lý đất đai chắc chắn sẽ tạo điều kiện cho tham nhũng gia tăng. Nạn nhân cũng lại chính là những người dân nghèo, còn những ai được hưởng lợi thì đã rõ.
Nếu như nghiên cứu mở rộng địa giới Hà Nội là một quá trình nghiêm túc và kĩ luỡng thì phải thấy rõ kết quả chưa nên mở rộng Hà Nội quá rộng trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là trong điều kiện quản lý hành chính và công tác quy hoạch ngay chính tại Hà Nội mà người lạc quan nhất cũng thấy là quá yếu kém. (Xây dựng trái phép, nhà cao tầng vượt chiều cao ngay chính ở khu không được phép, ô nhiễm khói bụi, tắc đường, quy hoạch treo...)

Hãy là Thủ đô thật gọn gàng, văn minh, để Hà Nội là hình mẫu cho cả nước về xây dựng và quy hoạch đô thị. Để cả nước hướng về Hà Nội với niềm tin yêu và hi vọng.

Nếu nhập Hà Tây và các khu vực lân cận vào địa giới Hà Nội, mà mật độ xây dựng ở nội thành vẫn giữ nguyên thì không thể có hệ thống giao thông thuận lợi. Không thể diễn giải rằng mở rộng địa giới hành chính Hà Nội thì mới có giao thông thuận tiện. Giao Thông của Hà Nội thực chất vẫn là thế. Chỉ có thể giảm mật độ tham gia giao thông bằng cách san sẻ gánh nặng về dân số thông qua hình thức thu hút lao động vào các thành phố vệ tinh. Hà nội sẽ thiên về chính trị văn hoá hơn là kinh tế. Tại sao nhiều quốc gia nhiều quốc gia với thủ đô diện tích nhỏ hẹp và hệ thống giao thông nội đô vẫn là của hàng trăm năm trước đây (không cơi nới để bảo tồn các di sản kiến trúc) nhưng nạn tắc đường rất hiếm khi xảy ra? Bởi vì chính quyền các nước này có chính sách lâu dài và hợp lý nhằm khuyến khích giảm tải dân cư trong nội thị bằng cách xây dựng hệ thống giao thông thuận tiện kết nối Thủ đô cũ với các thành phố vệ tinh đơn chức năng (thương mại, du lịch, công nghiệp, khoa học...). Thậm chí một số quốc gia như Pháp, trụ sở các tập đoàn lớn không nằm ở Thủ đô mà ở các thành phố vệ tinh, hơn thế nữa là tại các tỉnh lân cận.

Qua bản đề án sơ lược của Bộ xây dựng trình Quốc hội, cùng với những bức xúc của đông đảo tầng lớp trí thức và nhân dân về vấn đề mở rộng thủ đô, dường như những người có thẩm quyền đang vô tình hay cố ý lờ đi việc quy hoạch vùng thủ đô khác với mở rộng địa giới hành chính, kèm theo đó cố gắng tô vẽ những ước mơ khó có thật trong thời điểm hiện nay, và hơn nữa phớt lờ những nghiên cứu nghiêm túc cũng như đóng góp của đông đảo các nhà chuyên môn và những người quan tâm đến tương lai của thủ đô Hà Nội.

Mong rằng những người làm quy hoạch có thẩm quyền học tập và kế thừa những bài học của các quốc gia đã trải qua giai đoạn phát triển như Việt Nam, đặc biệt là các quốc gia châu Âu với trình độ quản lý khoa học, chuyên nghiệp và bài bản, cũng như rút ra những bài học đắt đỏ mà các quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Philipin đã và đang phải trả giá do để hình thành các siêu đô thị Megacity. Không cần và không nên mở rộng Hà Nội một cách lấy được.

Hà nội là thủ đô của cả nước, thẳng thắn mà nói bộ mặt của thủ đô vẫn còn chưa sáng sủa lắm, chưa nói gì đến sánh cùng các nước trong khu vực. Sau khi sát nhập thì bộ mặt của "thủ đô pha nông thôn" sẽ như thế nào đây??